Chỗ dựa để ngư dân bám biển
Khu vực biên giới biển của tỉnh ta gồm 15 xã, phường, thị trấn với hơn 45 ngàn hộ dân sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác, nuôi trồng hải sản. Biển mang lại nguồn sống nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa đối với ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển. Thấu hiểu điều này, những năm qua Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn và nâng cao năng lực cho ngư dân trong quá trình bám biển.
Để người dân có đầy đủ thông tin, chủ động hoạt động đánh bắt trên biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyền truyền về biển đảo; kiểm tra, nhắc nhở ngư dân về công tác bảo hiểm, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi hoạt động trên biển. Cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển đảo, bộ đội Biên phòng còn tích cực giúp đỡ, vận động ngư dân xây dựng các mô hình tổ, đội đoàn kết nhằm phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao hiệu quả kinh tế, chia sẻ thông tin, ngư trường, hỗ trợ nhau những lúc gặp rủi ro và góp phần giữ gìn chủ quyền, an ninh biển, đảo.
Ông Lê Văn Bảy, ngư dân khu phố Khánh Chữ 1, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) cho biết: “Trước đây, do đánh bắt đơn lẻ nên nhiều ngư dân rất lo lắng trong mỗi chuyến ra khơi, hiệu quả khai thác cũng không cao. Từ khi thành lập Tổ đoàn kết, tàu vươn xa hơn, hiệu quả khai thác được nâng lên, các thành viên trong tổ đều đã đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn yên tâm bám biển. Trong đợt bão vừa qua, nhờ sự hướng dẫn, thông tin kịp thời của Bộ độ Biên phòng, Tổ đoàn kết hỗ trợ nhau đưa tàu vào bờ neo đậu, tránh trú bão kịp thời, an toàn. Không chỉ riêng tôi mà ngư dân, khi đi biển gặp khó khăn đều liên hệ với lực lượng Biên phòng để có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhất.
Từ hiệu quả của mô hình này, đến nay toàn tỉnh đã hình thành, củng cố trên 100 tổ, đội tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ với 480 phương tiện, 2.508 lao động, đem lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân. Trên cơ sở các tổ, đội tàu, cũng đã hình thành 181 tổ an ninh tự quản, tham gia đắc lực các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, thực hiện tốt công tác phòng chống bão, kêu gọi phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn.
Giúp dân xóa đói, giảm nghèo
Không chỉ hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, Bộ đội Biên phòng còn tham mưu cho địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Nhờ kiên trì bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, bộ đội Biên phòng đã thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện từng địa phương như: hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo,... qua đó, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng ven biển. Đơn cử như tại thôn Cầu Gãy và Đá Hang xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), với 124 hộ, hơn 500 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc Raglai, đời sống còn rất khó khăn. Để giúp địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống, những người lính Đồn Biên phòng Vĩnh Hy đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, dạy xóa mù chữ, bài trừ mê tín dị đoan, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Các anh còn trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa nước, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi bò sinh sản, nuôi dê vỗ béo và trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế, cải thiện đời sống. Ông Cao Văn Đen, Bí thư Chi bộ thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vui vẻ cho biết: Đời sống của bà con ở đây gắn liền với anh em chiến sỹ của Đồn biên phòng Vĩnh Hy. Sự giúp đỡ tích cực, kiên trì của các anh thông qua việc cùng tham gia làm và hướng dẫn thực tế cho bà con cách trồng cây lúa nước, trồng cây ăn trái phân tán trên đất dốc... đã làm thay đổi hẳn tập quán canh tác lạc hậu của người dân, giúp dân nắm được cách làm, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đời sống ngày càng khá giả hơn; bà con đã tích lũy mua sắm được tài sản có giá trị trong nhà, thoát được nghèo, có nhà ở khang trang.
Củng cố thế trận lòng dân
Trong điều kiện các địa phương vùng biển, điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân còn hạn chế, chương trình quân-dân y kết hợp tại các xã ven biển cũng luôn được Bộ đội Biên phòng tỉnh chú trọng thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng dịch cho Nhân dân. Bộ đội Biên phòng cũng có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới ở các xã ven biển. Hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ đã tham gia làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi, sửa chữa nhà ở cho người dân... Các anh còn là tấm gương sáng trong công tác bảo vệ môi trường biển với các hoạt động tích cực trong chiến dịch “Hãy làm sạch biển”.
Không dừng lại ở đó, những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã vận động ủng hộ và đóng góp trên 255 ngày công xây dựng được 16 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” và làm công trình dân sinh với tổng giá trị 960 triệu đồng. Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng còn tổ chức và tham gia dạy 36 lớp xóa mù chữ, 51 lớp phổ cập tiểu học; thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, nhận đỡ đầu cho 69 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa bộ đội Biên phòng và Nhân dân trên khu vực biên giới biển.
Những việc làm ý nghĩa của cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tô thắm thêm bức tranh xuân về tình đoàn kết gắn bó máu thịt quân-dân, góp phần củng cố vững chắc thế trận lòng dân trên tuyến biên phòng.
Mai Phương