Đó là chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xây dựng các cơ sở giết mổ GS,GC tập trung giai đoạn 2015-2020 tổ chức vào ngày 16-1 vừa qua.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra yêu cầu trên xuất phát từ thực tế bức xúc hạ tầng của nhiều điểm giết mổ GS,GC xuống cấp trầm trọng. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 77 cơ sở, điểm giết mổ GS,GC, nhưng có tới 70 điểm nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư không đảm bảo quy trình kỹ thuật từ khâu nhập gia súc đến giết mổ và vệ sinh môi trường. Áp lực đang đè nặng lên các điểm giết mổ GS,GC bởi nhu cầu sử dụng thịt sạch của người tiêu dùng tăng, trong khi quy trình sơ chế thực phẩm ở những nơi này chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 510 con GS,GC được giết mổ, đưa ra thị trường gần 27 tấn thịt. Người tiêu dùng đang lo phải sử dụng thịt tại các điểm giết mổ chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu về an toàn thực phẩm (ATTP), thì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe là rất lớn.
Thực tế hạn chế tồn tại lâu nay ở các cơ sở, điểm giết mổ GS,GC chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai là trăn trở lớn của ngành chức năng. Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá phân loại ATTP theo Thông tư 45/2014/TT/BNNPTNT ngày 3-12-2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở 40 cơ sở giết mổ GS,GC không có cơ sở nào được xếp loại A đang gây trở ngại trong thực hiện chương trình xây dựng chuỗi giá trị hàng thực phẩm sạch. Sắp xếp, thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh của các cơ sở giết mổ GC,GC không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm là việc cần làm nhằm hướng tới mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Tuy nhiên, làm như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người lao động, chủ các cơ sở giết mổ mới là quan trọng. Nhìn nhận sâu sắc vấn đề này, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo quá trình thực hiện công tác rà soát, sắp xếp lại, bắt buộc ngưng hoạt động của một số cơ sở giết mổ GS,GC nhỏ lẻ phải có lộ trình, tránh sự xáo trộn lớn.
Giải pháp có tính căn cơ để lập lại trật tự hoạt động giết mổ GS,GC trên địa bàn tỉnh mà ngành chức năng đề ra là tập trung thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ GS,GC, ứng dụng công nghệ dây chuyền chế biến thực phẩm tiên tiến. Từ đó, vận động các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đưa GS,GC vào giết mổ ở các cơ sở tập trung. Tín hiệu đáng mừng là, hiện có 2 doanh nghiệp đã xây dựng xong khu giết mổ theo mô hình công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của các thành phần tham gia trong lĩnh vực sơ chế, chế biến mặt hàng thực phẩm. Cụ thể, Cơ sở giết mổ GS tập trung Đức Hòa ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vừa được xây dựng, dự kiến đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, công suất giết mổ 200 con/ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra mặt hàng thực phẩm sạch. Cơ sở giết mổ dê, cừu tập trung của hộ kinh doanh La Thị Kim Phượng, quy mô giết mổ 100 con/ngày, xây dựng tại thôn Phước Lập, xã Phước Nam (Thuận Nam) đi vào hoạt động từ tháng 9-2017 cũng đã phát huy được tác dụng. Chủ các điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm trong diện phải di dời hoàn toàn an tâm đưa gia súc đến những “địa chỉ” trên giết mổ, không lo lắng “đội” thêm chi phí đầu vào quá cao, bởi doanh nghiệp cam kết giảm mức thu phí giết mổ trên đầu GS xuống mức thấp nhất.
Kế hoạch từ nay đến năm 2020, tỉnh tiếp tục mời gọi doanh nghiệp xây dựng thêm 4 cơ sở giết mổ GS,GC tập trung ứng dụng quy trình giết mổ khép kín để đảm bảo 100% sản phẩm thịt GS,GC đưa ra thị trường đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thú y. Hướng tới mục tiêu, hiện ngành chức năng, các địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án .
Anh Tùng