Trịnh Hữu Thuyết,
Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Ban Nội chính Trung ương được thành lập lần đầu ngày 5-1-1966, với tên gọi ban đầu là Ban Pháp chế Trung ương. Đến ngày 23-12-1991, Ban Nội chính lại được giao chức năng, nhiệm vụ mới theo Quyết định số 17-QĐ/TW, theo đó “Đặc biệt, đối với một số vụ án quan trọng có ảnh hưởng chính trị rộng hoặc có liên quan đến cán bộ cao cấp mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần cho phương hướng chỉ đạo thì Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm theo dõi, chuẩn bị ý kiến đề xuất; đồng thời giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Hải quan, Trọng tài kinh tế nhà nước, Hội Luật gia…”. Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị quyết định tái thành lập Ban Nội chính Trung ương.
Đối với tỉnh ta, tháng 4-1992, tỉnh Ninh Thuận tái lập. Ngày 26-11-1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 138-QĐ/TU về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Từ khi thành lập, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TW ngày 8-11-1993 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”, gắn với liên hệ kiểm điểm sâu sắc thực tế kết quả chấp hành pháp luật trong việc bắt giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Qua đó, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo sát hợp, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo đảm an ninh trật tự. Đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm; hạn chế thấp nhất thiếu sót về thực hiện pháp luật trong bắt tạm giữ, tạm giam... Phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các ngành Nội chính kịp thời nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc quan trọng, phức tạp dư luận quan tâm. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Ban Cán sự Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) “Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ngày 19-4-2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 559-QĐ/TU về việc “Giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy cho Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhiệm”.
Thực hiện hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương, ngày 13-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu Tỉnh ủy về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Từ đó đến nay, Ban đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ được giao về nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thẩm định, tham gia công tác cán bộ theo phân cấp và các nhiệm vụ khác do Thường trực Tỉnh ủy giao. Điểm lại kết quả công tác năm 2017, Ban đã được Khối thi đua các cơ quan đảng tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó nổi bật là tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác đào tạo lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ tư pháp tỉnh, nhất là tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị Quyết số 16-NQ/TU ngày 12-5-2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến năm 2020, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; Báo cáo tình hình, kết quả, bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; tham gia Tổ kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nội chính và phòng chống tham nhũng, công tác bảo đảm an ninh trật tự, giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc nổi cộm, các vấn đề phát sinh, các khiếu nại, tố cáo của nhân dân, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chỉ với 17 cán bộ, công chức đã tham mưu trên 500 văn bản, với gần 3.000 trang tài liệu.
Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Nội chính Đảng tỉnh, từ chức năng tham mưu về một số mặt công tác, tham gia chỉ đạo, xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, đã vươn rộng tầm tham mưu Tỉnh ủy về thực hiện đường lối, chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.