Trong hai ngày 8 và 9-12-2017, tại sân vận động Quần Ngựa (TP. Hà Nội), Mục sư F.Graham (Ph.Gra-ham) đã trực tiếp chủ trì hai buổi truyền giảng với sự tham dự của hơn mười nghìn người. Trả lời phỏng vấn của hãng AP, Mục sư F.Graham thông báo: “Chính quyền Việt Nam đã không đặt ra bất kỳ điều kiện nào cho việc tổ chức hai buổi truyền giảng”. Đưa tin về sự kiện này, trang mạng một tờ báo của người Việt ở Mỹ cho biết, Mục sư F.Graham đã nói: “Chúng tôi chỉ là khách, chính quyền chưa nói với tôi là được nói gì hoặc không được nói gì”, và ông khẳng định “tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được cải thiện”. Được biết, Mục sư F.Graham hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội truyền bá phúc âm Billy Graham (Bin-ly Gra-ham), là một trong các mục sư nổi tiếng nhất ở Mỹ. Trong những ngày ông đến Việt Nam, ngày 7-12, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi tiếp Mục sư F.Graham.
Trước đó, một sự kiện liên quan tôn giáo cũng đã diễn ra trong hai ngày 21 và 22-11-2017, Đại hội giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 15 (Đại hội) tổ chức tại Giáo phận Thanh Hóa. Do Giáo tỉnh Hà Nội gồm 10 Giáo phận cho nên số người dự rất đông, trụ sở Tòa Giám mục Giáo phận Thanh Hóa không đủ không gian tổ chức, cho nên theo đề nghị của Tòa Giám mục Giáo phận Thanh Hóa, UBND tỉnh đã đồng ý để Tòa Giám mục Giáo phận Thanh Hóa mượn địa điểm Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực thuộc UBND tỉnh, để tổ chức. Không chỉ tạo điều kiện về địa điểm, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo đảm giao thông thông suốt để tổ chức Đại hội. Bản tin Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 15 đăng ngày 24-11-2017 trên trang mạng của Hội đồng Giám mục Việt Nam tường thuật khá chi tiết, và cho biết 14 giờ 15 phút ngày 21-11-2017, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 15 đã khai mạc với nghi thức rước Thánh giá từ Tòa Giám mục Giáo phận Thanh Hóa ra Quốc lộ 1A, đi vào trung tâm thành phố, qua đại lộ Lê Lợi, rẽ về phía Nam hướng đến Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, nơi có hơn 15 nghìn người đang tập trung chờ đón…
Hai sự kiện nói trên với sự tham gia của hàng chục nghìn người là bằng chứng cho thấy Nhà nước Việt Nam đã tôn trọng, tạo điều kiện để hoạt động tôn giáo được tiến hành trọng thể, lành mạnh. Tại lễ mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tổ chức vào ngày 18-3-2017 ở Giáo xứ Thánh Đa Minh - Ba Chuông (TP. Hồ Chí Minh), chính Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã đưa ra những con số: Sau 50 năm số tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tăng gấp ba với 416 thành viên, đứng thứ nhì trong dòng Đa Minh thế giới, hoạt động tại 17 Giáo phận ở Việt Nam; có mặt tại Ca-na-đa, Mỹ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, I-ta-li-a, Thái-lan, Lào, Hàn Quốc; Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam vẫn duy trì Trung tâm học vấn Đa Minh - nơi đầu tiên ở Việt Nam được quyền cấp bằng Cử nhân Thần học, các tu viện đã thực hiện chương trình đào tạo tu sĩ, đào tạo giáo dân...
Rất tiếc, trước những sự kiện hoàn toàn có thể kiểm chứng đó, ngày 7-12-2017, một số nghị sĩ Ô-xtrây-li-a lại tổ chức cái gọi là “điều trần trước Quốc hội Ô-xtrây-li-a về vấn đề nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, đàn áp nhân quyền trong nước”! Tức là họ tạo diễn đàn để một số người - trong đó có Nguyễn Đỗ Thanh Phong “đại diện” tổ chức khủng bố “Việt tân”, thi nhau xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Nếu nhân quyền ở Việt Nam “có vấn đề” thì tại sao không có bất cứ ngăn trở nào của chính quyền đối với các hoạt động tôn giáo lớn, như các hoạt động đã được tổ chức ở Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị),…; nhiều nhà thờ mới được xây dựng ở Việt Nam và thứ bảy, chủ nhật hằng tuần giáo dân vẫn sinh hoạt bình thường, hàng nghìn buổi lễ, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng diễn ra hằng năm? Tại sao Liên hợp quốc chọn Việt Nam để long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc trong hai năm 2008, 2014? Tại sao gần 50 nghìn tăng ni, hơn 10 triệu tín đồ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hướng mọi Phật sự theo phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và hàng triệu tín đồ của nhiều tôn giáo khác luôn sống theo phương châm tốt đời, đẹp đạo, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước? Thiết nghĩ, chắc chắn sau khi có câu trả lời, mấy nghị sĩ Ô-xtrây-li-a sẽ thấy những thông tin họ có được hoàn toàn không chính xác, và chính họ đang dung túng cho những kẻ xấu, đi ngược lại lợi ích của cả dân tộc.
Tương tự việc làm phi lý của một số nghị sĩ Ô-xtrây-li-a, ngày 14-12 mới đây, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết mang nội dung vu cáo Việt Nam “thiếu tự do báo chí, vi phạm tiêu chuẩn luật pháp nhân quyền quốc tế, vi phạm quyền tự do tôn giáo”,… rồi yêu cầu hủy bỏ Điều 79, Điều 88 Bộ luật Hình sự, đòi trả tự do cho Nguyễn Văn Hóa (NVH), Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (NNNQ) và một số người khác! Đức Giê-su từng dạy: “Tại sao con chỉ thấy cái dằm trong mắt anh em, nhưng lại không nhận ra cây xà nhà trong mắt mình? Làm sao con có thể nói với anh em rằng: “Để tôi lấy cái dằm ra khỏi mắt anh” trong khi cây xà vẫn ở trong mắt mình”! Trước khi chỉ trích người khác, EU nên tập trung vào những gì đang diễn ra trên chính các quốc gia thành viên của họ. Họ đã thật sự bảo đảm quyền của người dân hay chưa khi 119 triệu người ở EU (khoảng 23,7% số dân) đang có nguy cơ nghèo đói, nằm ngoài lề xã hội? Họ có dám khẳng định người nhập cư, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đang được đối xử bình đẳng?
Trước khi bênh vực một số người đã vi phạm pháp luật Việt Nam, các tác giả nghị quyết nêu trên nên tìm hiểu để biết trên in-tơ-nét còn lưu giữ vi-đê-ô clíp cho thấy chính NVH công khai nhận tội, xin lỗi nhân dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam, và “kêu gọi tất cả từ thanh niên đến người già, từ nông dân đến tầng lớp trí thức, lương dân cũng như người công giáo đừng vì đồng tiền, đừng vì cái lợi trước mắt như bị can đã từng trải mà gây xâm phạm, bán rẻ lương tâm, bán rẻ Tổ quốc cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phản động, cực đoan chống phá nhà nước, đừng theo vết xe đổ của bị can”. Gần đây, Phố Bolsa TV- địa chỉ truyền thông của người Việt ở Mỹ, công bố vi-đê-ô clíp trong đó luật sư Trịnh Quốc Thiên- người Mỹ gốc Việt, khẳng định NNNQ chỉ “tranh đấu” cho các tổ chức “xã hội dân sự” đã nhận tiền và được giật dây bởi các tổ chức ở nước ngoài; theo luật pháp Mỹ, NNNQ không có quyền lợi, quyền hạn, trách nhiệm liên hệ, liên quan các vụ việc đề cập trong các bài chị ta viết, và đề cập quá ba lần sẽ bị coi là ác ý. Còn Lê Diễn Đức - là nhân vật chống cộng hiện sống tại Mỹ, thì kết luận: “Khi những người bất đồng chính kiến được gọi là các “nhà tranh đấu” dân chủ, nhân quyền trong nước bắt đầu chửi rủa tục tĩu đối với nhà cầm quyền cộng sản, hoặc may áo có hình cờ vàng ba sọc để bán ra hải ngoại kiếm tiền, thì đó chính là biểu hiện của sự bế tắc, bất lực”!
Sau khi chỉ rõ những người phê phán luật pháp Việt Nam mà không biết gì về luật pháp Việt Nam, “các nhà tranh đấu” ở Việt Nam ảo tưởng về các thế lực ở nước ngoài, khẳng định Nhà nước Việt Nam đã cố gắng rất nhiều nhằm bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân, luật sư Trịnh Quốc Thiên có ý kiến rất xác đáng: “Nhân quyền phải dựa trên căn bản của cả một dân tộc, của khối đại đa số 94 triệu người chứ không phải một vài cá nhân nhỏ lẻ”. Rất tiếc, vì thiếu thiện chí mà một số người phê phán Việt Nam lại tiếp cận vấn đề rất thiếu khách quan. Họ chỉ quan tâm một số người xấu mà không quan tâm việc Việt Nam đã nỗ lực như thế nào trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đời sống và quyền của mọi người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện ra sao? Họ cũng bỏ qua sự thật rằng phần lớn các nước, các tổ chức quốc tế đều nhiều lần thừa nhận những thành tựu đầy thuyết phục của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người. Hiến pháp năm 2013 đã dành riêng Chương II cho các quyền con người và quyền công dân, và trong hai năm qua, hàng chục luật đã được thông qua, hàng loạt chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng để bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng đầy đủ quyền con người và thành quả của công cuộc đổi mới phát triển. Ngân hàng Chính sách xã hội đã ưu đãi để giúp xây dựng hơn 500 nghìn căn nhà để nhân dân có nơi cư ngụ an toàn; Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt về tiêu chí bảo hiểm y tế, hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản khác; 37 tổ chức tôn giáo và một pháp môn tu hành với khoảng 25 triệu tín đồ đã được Nhà nước cấp đăng ký hoặc công nhận. Theo We Are Social (tổ chức thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan trên thế giới) thì năm 2017 ở Việt Nam đã có 50,05 triệu người dùng in-tơ-nét (chiếm 53% số dân, tăng 6% so với năm 2016), 40 triệu tài khoản Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới… Đó là các con số biết nói, và tự chúng có khả năng bác bỏ mọi luận điệu vu cáo, xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Theo Báo Nhân Dân