IPv4 cạn kiệt, IPv6 là sự lựa chọn sáng giá.
Tổ chức quản lý địa chỉ Internet toàn cầu (IANA) đã phân bổ những khối địa chỉ IPv4 cuối cùng cho các nhà cấp phát địa chỉ Internet khu vực. Điều đó không có nghĩa mọi thứ trên thế giới đã chấm dứt, cũng không có nghĩa Internet đã đến ngày tận thế. Thực tế, thế giới địa chỉ Internet vẫn chưa hết. Mọi người vẫn có thể sử dụng địa chỉ IPv4 trong một thời gian dài nữa, có thể là hàng năm nữa.
Điều chấm dứt ở đây là nguồn cung địa chỉ IPv4 mới. IANA sẽ không thể cấp dải địa chỉ này cho 5 nhà cấp phát địa chỉ Internet khu vực nữa. Tuy vậy, những nhà cấp phát khu vực này vẫn có thể cấp địa chỉ IPv4 cho các tổ chức cần chúng, và có thể kéo dài trong mấy tháng tới.
Hầu hết người dùng Internet trên thế giới không để ý đến tình trạng cạn kiệt địa chỉ IPv4, cũng như bất cứ sự thay đổi nào trong địa chỉ của họ. Tuy nhiên, một số mạng lưới sẽ nhận ra tác động của việc này. Họ là những doanh nghiệp lớn, những nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn. Khi nguồn địa chỉ cạn kiệt, họ sẽ phải tìm cách đối phó.
Tuy vậy ngay lúc này, chưa có lý do gì để “lao như điên” đến địa chỉ IPv6. Bởi vì, hầu như chưa có nơi nào trên Internet sử dụng IPv6. Hiện nay, ước tính số trang IPv6 trên mạng Internet toàn cầu chưa đến 2/10 của 1%. Trong khi đó, có một số website cho phép kết nối dùng IPv6 cũng cho phép kết nối cả IPv4.
Tuy nhiên, các tổ chức lớn cần bắt đầu sử dụng IPv6 ở những chỗ cần thiết. Vì nhu cầu địa chỉ IPv4 tiếp tục tăng cao và nguồn cung lại cạn dần, mạng lưới IPv6 sẽ trở nên hữu ích. Có thể, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy một số loại truyền thông – như giữa các trung tâm dữ liệu, hoặc giữa các trung tâm dữ liệu và các nhà cung cấp đám mây, hay thậm chí trong chính một trung tâm dữ liệu – có thể sử dụng IPv6 mà hầu như không ảnh hưởng gì đến các hoạt động khác.
Hơn nữa, sự chuyển hướng tới Ipv6 sẽ để dành địa chỉ IPv4 cho người dùng cuối, cho những thiết bị không thể dùng IPv6 và cho các cấu trúc mạng lưới không thể sử dụng IPv6. Chắc chắn rằng mạng Internet sẽ bắt đầu hỗ trợ IPv6, nhưng điều đó không xảy ra trong ngày một ngày hai. Và thậm chí khi đã bắt đầu, sự thay đổi cũng không diễn ra ngay một lúc.
Thay vào đó, những gì mọi người nhìn thấy là một số website cho phép cả IPv6 và cả IPv4, như Google và Netflix đã làm. Nhưng hầu hết người dùng sẽ cần những thiết bị có thể chạy cả IPv4 và IPv6 cùng lúc, vì thế họ có thể tiếp cận đến toàn bộ thế giới Internet. Thật may mắn, hầu như toàn bộ phần cứng và máy tính hiện đại đều hỗ trợ cả hai chuẩn giao thức. Hầu hết các bộ chuyển mạch cũng hỗ trợ cả IPv4 và IPv6.
Thách thức lớn nhất cho hầu hết các công ty là tìm ra cách đảm bảo họ có thể thực sự sử dụng IPv6 và sau đó thử xem liệu họ có đạt được những gì họ cần không. Không may là hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều không tự sản xuất bộ chuyển mạch. Tuy vậy, sẽ có những hãng cung cấp dịch vụ chuyển đổi IPv6, giúp người dùng truy cập đến Internet IPv6 ngay cả khi ISP của họ không cung cấp.
Không có gì phải vội vàng, nhưng điều đó không có nghĩa không phải là bất cứ gì. Đối với nhiều công ty, đó là vấn đề thời gian, có khi đến một vài năm, khi họ không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải chuyển sang IPv6. Cách tốt nhất là không nên đợi đến phút cuối cùng. Thay vào đó, hãy tranh thủ thời gian xác định những thiết bị nào trong mạng lưới của bạn không cần Ipv6 ngay lập tức. Với những thiết bị hỗ trợ IPv6, cần xem xét ứng dụng ngay.
Cuối cùng, với những thiết bị và máy tính hỗ trợ IPv6, nên lập kế hoạch thử nghiệm xem chúng chạy có suôn sẻ không.
Theo ICTNews (eWeek)