“Thủ phủ” nón một thời
Đất Quảng Sơn được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề chằm nón lá. Bởi ở Quảng Sơn từ khi lập làng thì cũng bắt đầu có nghề chằm nón. Bà con ở đây đa số gốc người Quảng Trị biết nghề chằm nón từ lâu đời, khi di cư vào đất Quảng Sơn vẫn tiếp tục giữ nghề. Trước đây, xã Quảng Sơn có 4 thôn: Thạch Hà, Hạnh Trí, Triệu Phong và La Vang, thì hầu hết thôn nào người dân cũng sống bằng nghề chằm nón và làm nông. Có nhiều gia đình chủ yếu sống bằng nghề này, chiếm phần đông là 2 thôn: Triệu Phong và Hạnh Trí. Trải qua thời gian, giờ 4 thôn này đã chia thành 8 thôn, nhưng số người còn giữ nghề chằm nón chỉ còn ở thôn Triệu Phong 1 là nhiều nhất.
Nghề chằm nón còn được giữ bởi những người phụ nữ lớn tuổi.
Để tìm hiểu về nghề chằm nón, chúng tôi được anh bạn thân dẫn đến thăm một số gia đình đang gắn bó với nghề ở thôn Triệu Phong 1. Bà Lê Thị Miên (71 tuổi), là một trong số thợ nghề hiếm hoi của thôn Triệu Phong 1 còn giữ nghề chằm nón, cho chúng tôi biết: Vải thì may thành áo, còn nón lá thì được chằm. Nhưng muốn chằm được nón phải qua một cái khung mẫu được làm bằng gỗ cứng, sắp xếp theo hình nón, gồm 12 que tất cả. Mỗi chiếc nón lá có 16 hoặc 17 vành được vót từ là a. Lá nón thì được đặt mua tận ở ngoài Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… sợ nón lá nhỏ và không thẳng nếp, người chằm nón phải dùng lửa hơ nóng và dùng nùi giẻ vuốt thẳng trên một miếng thiếc như ủi quần áo. Sau đó cắt tỉa từng mảnh lá nhỏ và chọn lá tốt làm 2 mặt trong và ngoài, xâu số lượng lá nón về một mối. Người thợ chằm nón khéo léo đặt lá lên khung dùng kim khâu đều như thêu và xoay tròn để làm sao lá đầu chóp nón cho khéo để chiếc nón lá được thẩm mỹ, thể hiện cái “hồn” của người thợ vào trong nón lá.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hải (75 tuổi), chị dâu của bà Miên, sản phẩm nón lá được chia thành 3 loại: Nón loại 1, nón bài thơ được chằm một cách khéo léo có đính ở mặt trong cảnh chùa ở xứ Huế hay những bài thơ ghi trên giấy màu, được khách hàng đặt mua đội đi dự lễ cưới, ăn hỏi, đi chợ… Nón lá loại này đòi hỏi người thợ chằm nón phải điêu luyện và khéo tay, mỗi ngày thợ bình thường chằm được một cái và đối với thợ giỏi, một ngày có thể chằm được một cái hoàn chỉnh và một cái dở dang. Nón loại 2, dành cho phụ nữ sử dụng thường xuyên, tuy không mảnh mai như nón bài thơ nhưng cũng đẹp, bền và chằm nón loại này, người thợ giỏi chỉ chằm mỗi ngày hơn 2 cái. Nón lá loại 3, là nón lá dùng đi rẫy, làm vườn, đội nắng đi mưa đòi hỏi tay nghề người thợ không cao lắm nên người thợ chằm nhanh mỗi ngày khâu được gấp đôi so với nón thường.
“Giá bán còn tuỳ thuộc, nón lá bài thơ được bán từ 90-100 ngàn đồng/chiếc, nón lá thường bán từ 50-70 ngàn đồng/chiếc và nón lá đi rẫy bán từ 30-50 ngàn đồng/chiếc; giá cả lên xuống theo mùa và tính ra trung bình, tùy theo khả năng của mỗi người, mỗi ngày một người thợ làm nón kiếm được vài chục ngàn đồng, đủ có “đồng ra đồng vào” để trang trải cuộc sống gia đình”-bà Hải bộc bạch. Cũng theo lời của anh bạn thân: Trước kia, gia đình nhà mình sống chủ yếu bằng nghề chằm nón này. Anh em trong nhà có “cái ăn, cái mặc”, học hành đến nơi đến chốn là đều nhờ vào thu nhập chính từ nghề chằm nón.
Nỗi niềm trăn trở với nghề!
Khi chuyển nơi lập nghiệp đến đất Quảng Sơn, đa số các hộ đều còn nghèo, vì vậy muốn có thu nhập nuôi sống gia đình, mọi người đều phải làm nghề chằm nón. Nhưng kể từ năm 1990, nghề chằm nón bắt đầu mai một. Bà Miên vừa kéo sợi dây cước để cột vào vành nón, giọng nhỏ nhẹ: “Thời gian trước, khó mấy cũng phải chằm nón, nhưng giờ lớp trẻ, đặc biệt là phụ nữ trẻ không muốn chằm nón nữa vì thu nhập của nghề này thấp, không đủ ngày công lao động. Còn bà Hải lại bộc bạch: Nghề chằm nón là nghề của “nàng”, thời gian qua lại không được chị em duy trì và yêu thích như ngày xưa nữa… Đi quanh các thôn ở xã Quảng Sơn, chúng tôi nhận thấy chỉ còn vài hộ làm nghề chằm nón và điều đặc biệt đa số là phụ nữ trên 60 tuổi, thấp nhất khoảng 50 tuổi. Đặt vấn đề vì sao người dân ở đây không muốn làm nghề chằm nón nữa? Thì tôi và anh bạn thân được người lớn tuổi ở đây cho hay: Nón lá không còn ưa chuộng như trước nữa, nên không bán chạy như ngày xưa và cho thu nhập thấp. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu mua khó khăn, phải nhập từ tỉnh ngoài nên bị phụ thuộc, là một phần nguyên nhân làm cho nghề chằm nón không giữ được. Ông Hoàng Văn Kính, Trưởng Ban quản lý thôn Triệu Phong 1, thổ lộ: Tầm 6 năm về trước, trên địa bàn xã có một HTX Thủ công mỹ nghệ, trong đó địa phương cũng có hướng muốn đưa nghề chằm nón vào đây để duy trì. Thế nhưng, điều mong muốn chưa thành hiện thực, thì HTX giải thể và hướng giữ nghề chằm nón vẫn còn dang dở cho đến nay...
Phan Hiếu