Khi có bệnh vùng miệng cần đi khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt.
Vôi hóa tuyến nước bọt
Vôi hóa ở tuyến nước bọt là một trong những bệnh nằm trong miệng rất dễ phát hiện qua chẩn đoán bằng chụp X-quang, tuy nhiên bệnh nhân lại dễ bỏ qua. Vôi hóa tuyến nước bọt thường do canxi có trong nước bọt lắng đọng quanh khối viêm lâu dần tạo thành sỏi. Viên sỏi này nằm chắn ngay tuyến nước bọt, khi người bệnh nhai làm tuyến nước bọt bị kích thích và sưng phồng. Sau khi ăn, nước bọt tiết ra miệng từ từ, tuyến nước bọt sẽ xẹp xuống. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân chủ quan cho rằng bệnh đã tự hết hoặc không nguy hiểm. Đến khi viên sỏi quá lớn, bít cả tuyến nước bọt, gây sưng phồng và đau nhiều mới đến cơ sở y tế để khám.
Khi bị vôi hóa tuyến nước bọt, người bệnh thường xuất hiện khối sưng phồng vùng góc hàm hoặc dưới hàm, kèm theo đau trong bữa ăn, đặc biệt là ăn chua, sau vài phút lại xẹp xuống. Khi sỏi tắc nghẽn lâu, nó có thể gây viêm tấy, áp xe tại vùng tuyến như sưng, nóng, đỏ, đau tại vùng góc hàm và dưới hàm, bệnh nhân có thể sốt cao, thậm chí rét run. Tổ chức viêm có thể tạo thành ổ áp xe, gây tổn thương dây thần kinh chi phối hoạt động của các cơ mặt, gây liệt mặt.
Điều trị vôi hóa tuyến nước bọt bằng cách phẫu thuật lấy sỏi. Tuy nhiên, nếu sỏi to bác sĩ phải cắt luôn cả tuyến nước bọt, để lại sẹo ở phía ngoài khuôn mặt. Bên cạnh đó, chức năng tiết nước bọt bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến quá trình nhai và tiêu hóa.
Nang vùng hàm mặt
Đa số bệnh nhân mắc bệnh nang răng đến khám đều đã có biến chứng nặng. Bệnh phát triển âm thầm, không gây đau nhức nhưng phát triển đến đâu gây tiêu xương đến đó. Khi nang phồng lên, gây biến dạng khuôn mặt thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, răng bị mất hàng loạt, gãy xương.
Nang răng được chia thành nhiều dạng, tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp răng mọc ngầm không được điều trị kịp thời để mảnh mô biểu bì bao quanh sẽ phát triển thành nang thân răng. Răng bị nhiễm trùng dần dần sẽ phát triển thành nang nhiễm trùng. Ngoài ra, còn có nang quanh răng hoặc nang sót (nang răng đã được mổ nhưng lấy không hết, sau đó tái phát).
Điều trị nang hàm mặt phụ thuộc vào giai đoạn bệnh nặng hay nhẹ. Phương pháp điều trị là phẫu thuật cắt nang, sau khi phẫu thuật và đợi vết thương lành, bệnh nhân có thể làm răng giả.
Răng mọc trong xoang
Răng mọc trong xoang không phải là bệnh thường gặp nhưng là một trong những bệnh dễ bị bỏ qua. Vì đây là bệnh dễ gây nhầm lẫn trong việc chẩn đoán và điều trị vì có triệu chứng không đặc thù của bệnh răng hàm mặt. Khi răng mọc trong xoang bệnh nhân thường đau nhức vùng trán, hốc mắt hoặc vùng má ở một bên mặt. Răng nằm chèn vào đường dẫn lưu của xoang, gây tắc dịch, phù nề kéo dài, dẫn tới viêm xoang. Khi đó, bệnh nhân bắt dầu có biểu hiện của viêm xoang kết hợp như ngạt tắc mũi, chảy mũi mủ... Những bệnh nhân có răng mọc trong xoang thường bị thiếu răng trên cung hàm.
Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật xoang lấy bỏ răng lạc chỗ, kết quả rất khả quan. Sau phẫu thuật, bệnh nhân dần dần mất hết toàn bộ những triệu chứng kể trên.
Bệnh bạch sản
Bạch sản là dạng tổn thương trong miệng, hay gặp ở nam giới cao tuổi. Bệnh không gây đau vì vậy dễ gây chủ quan cho người bệnh. Triệu chứng ban đầu bệnh bạch sản biểu hiện như một vết loét phẳng, màu xám - thường ở trên lợi hoặc trên mặt trong má và đôi khi ở trên lưỡi. Qua vài tuần hoặc vài tháng, vết loét bạch sản tiến triển thành mảng với những đặc điểm sau: Màu trắng; Dày, thô; Bề mặt cứng.
Thông thường, bạch sản là hậu quả của sự kích thích mạn tính các mô mỏng manh trong miệng. Sự kích thích này có thể từ một số nguồn gồm: Răng giả lắp kém, những nốt xù xì trên răng hoặc hàn răng, và uống rượu lâu ngày. Tuy nhiên, hút thuốc lá là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bạch sản. Đại đa số những người bị bạch sản là người nghiện thuốc lá, và hầu hết các mảng bạch sản được cải thiện hoặc biến mất trong vòng một năm sau khi bỏ thuốc.
Bệnh bạch sản không gây đau, nhưng những mảng này có thể nhạy cảm khi chạm vào chúng hoặc ăn thức ăn cay, nóng. Mặc dù bệnh không nguy hiểm, song nó có thể rất nghiêm trọng. Đa số ung thư miệng hình thành ở vùng gần kề các mảng bạch sản, và các mảng này tự chúng có thể biểu hiện những thay đổi ung thư. Do đó, tốt nhất là đi khám nha sĩ nếu bạn có những thay đổi khác thường ở trong miệng kéo dài trên 1 tuần. Điều trị thông thường đối với bạch sản là loại bỏ nguồn kích thích. đối với phần lớn bệnh nhân, bỏ thuốc hoặc chỉnh nha sẽ làm bệnh biến mất.
(Theo Báo SK&ĐS)