Phụ nữ thôn Núi Rây giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Với những cách làm thiết thực và chủ động của Chi hội Phụ nữ (PN) thôn Núi Rây, xã Phước Chính (Bác Ái) trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, đã góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của hội viên trong sản xuất, qua đó giúp chị em vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Được chị Pinăng Thị Ánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Núi Rây hướng dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng lúa nước, rộng “thẳng cánh cò bay” với bông lúa trĩu nặng được hội viên PN sản xuất, chị Ánh chia sẻ: Ít ai biết được, cách đây 4 năm, dù vùng đất bằng phẳng và chủ động nguồn nước tưới, thế nhưng các gia đình hội viên vẫn nhất quyết không thay đổi tập quán sản xuất cách trồng lúa nương, rẫy, vì vậy cánh đồng lúa rất cằn cõi, thường xuyên xuất hiện sâu bệnh, năng suất và chất lượng lúa thấp. Trước cái khó, cán bộ chi hội đã tham mưu cùng với chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa nước cho tất cả 115 hội viên, đặc biệt, chọn cán bộ chi hội làm gương và cùng ra đồng, để chị em học hỏi làm theo. Nhờ đó đến nay, đã có 50 hộ hội viên chuyển sang trồng lúa nước; 20 hộ trồng bắp rẫy chuyển sang trồng giống bắp lai, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất giúp hội viên có kiến thức cơ bản, Chi hội tiếp tục phát động phong trào “Hội viên làm chủ trên diện tích đất của gia đình”, vận động hội viên hạn chế cho thuê đất và thay vào đó, mạnh dạn sử dụng đất nông nghiệp của gia đình để sản xuất và chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm qua, Chi hội đã xây dựng được 15 mô hình kinh tế đạt giá trị trên 80 triệu đồng/năm/hộ, 6 gia đình hội viên mua máy cày, máy gặt với giá trị trên 50 triệu đồng về phục vụ cho sản xuất gia đình và địa phương. Cùng với đó, nhu cầu về lao động tăng lên cao, Chi hội linh động xây dựng nhóm “vần đổi công” với hơn 30 thành viên, chủ động sắp xếp ngày công để giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất. Chị Chamaléa Thị Hồng đang sản xuất hơn 2 ha lúa, mía cho biết: Khi đến ngày xuống giống và thu hoạch cây trồng, gia đình rất vất vã để có thể thuê đủ công lao động. Từ khi có nhóm “vần đổi công”, mình có thể liên hệ với trưởng nhóm để có đủ số lượng công lao động, rồi sau đó, sẽ tham gia lao động để trả công cho nhóm. Đó cũng là cách để chị em tiết kiệm tiền thuê lao động, có nhiều thời gian hơn để tập trung sản xuất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, Chi hội còn tích cực vận động hội viên, tăng gia sản xuất ngay tại nhà với các loại cây trồng ngắn ngày và dễ tiêu thụ trên thị trường như: chuối, đu đủ, rau xanh, gà thả vườn…để tăng thêm thu nhập. Do đó, khi đến thôn Núi Rây, chúng tôi không khó bắt gặp những liếp rau, trái, quả xanh mướt được trồng vuông vức ngay trong khuôn viên nhà. Chị Pinăng Thị Ánh chia sẻ thêm, ở đây PN quen tay rồi. Ngày rãnh không đi làm cỏ, bón phân cho cây trồng, thì tận dụng khoảng thời gian ở nhà chị em chăm sóc vườn rau, gia súc, gia cầm. Tuy thu nhập không lớn, nhưng đủ để hội viên chi tiêu trong gia đình.

Chị Đào Thị Nguyệt Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Chính cho biết: Trong năm qua, với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể hội viên, Chi hội PN thôn Núi Rây đã giúp đỡ 10 hội viên thoát nghèo bền vững; 100% hội viên được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái để đầu tư sản xuất… Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, nhưng với những hoạt động hỗ trợ tích cực của Chi hội cho PN phát triển kinh tế, đời sống của nhiều chị em nơi đây ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.