Các nhà khảo cổ học vừa cho biết việc phát hiện hóa thạch bộ xương gần như hoàn chỉnh của thằn lằn bay mẹ cùng với trứng của nó tại Trung Quốc, cung cấp những manh mối trực tiếp đầu tiên về giới tính của loài bò sát bay mà từng sống cùng thời với khủng long, cách nay khoảng 220 - 65 triệu năm.
Nhà khoa học Junchang Lü công tác tại Học viện khoa học địa chất Trung Quốc cho hay, các hóa thạch trên có niên đại khoảng 160 triệu năm thuộc chi thằn lằn bay Darwinopterus, hình minh họa dưới đây cho thấy sự khác biệt về giới tính của chúng.
Thằn lằn bay giống cái và giống đực (phải). (Ảnh: Discovery News)
Theo Tạp chí Discovery News, thằn lằn bay giống đực có cái mào với màu sắc tươi sáng trên đầu mà theo các nhà khoa học, tác dụng của cái mào này là để thu hút thằn lằn bay giống cái trong mùa giao phối. Ngoài ra, con cái cũng có phần hông rộng hơn con đực, đây là điều kiện giúp con cái đẻ trứng được thuận lợi hơn.
Hóa thạch thằn lằn bay mẹ mà có sải cánh gần 1 mét, được đặt tên là “Mrs. T” được tìm thấy tại lớp trầm tích bùn thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc.
Hóa thạch trứng của thằn lằn bay “Mrs. T”. Ảnh: Discovery News.
Theo thông tin đăng trên tạp chí khoa học trực tuyến của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS), phân tích hóa thạch cho thấy, nó có một kết cuộc bi thảm, con mẹ đang chuẩn bị đẻ trứng thì đột nhiên một cơn bão ập đến làm cánh nó bị gãy và rơi xuống hồ. Dưới sức ép của lớp bùn, cuối cùng trứng đã “vọt” ra khỏi cơ thể mẹ nó và được bảo quản cho tới ngày nay.
Các phân tích cho biết, thằn lằn bay có mối quan hệ gần với các họ hàng của cá sấu hơn là chim. Vỏ trứng khá mềm mại, gợi ý loài bò sát cổ đại này “chôn trứng” và con mẹ rời bỏ trứng sau khi đẻ xong và để trứng tự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ đất giống như các loài bò sát ngày nay. Điều này cho thấy, có sự khác biệt so với loài chim là trứng chim có vỏ cứng, bên trong chứa đựng tất cả các dưỡng chất cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển của chim non.
Theo Vietnamnet