Thuận Nam: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính

(NTO) Những năm qua, huyện Thuận Nam tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tốt mô hình “một cửa điện tử hiện đại” nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Huyện đã triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT), qua đó góp phần đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí trong thực thi công vụ, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đồng chí Lê Huyền, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam nhìn nhận: Toàn huyện có 474 cán bộ, công chức (CB, CC) và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn. Trong đó, UBND huyện có 81 CB, CC được bố trí công tác tại 13 cơ quan chuyên môn. Xác định việc ứng dụng CNTT là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện CCHC, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các cấp, ngành, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT cho các đơn vị, phòng, ban và 8 xã của huyện tương đối đầy đủ. Đến nay, toàn huyện có 2 máy chủ, 246 máy tính để bàn và 31 máy tính xách tay, hoàn chỉnh mạng nội bộ, có kết nối Internet băng thông rộng, thiết lập tường lửa bảo đảm an toàn, bảo mật dữ liệu.

 
Bộ phận “một cửa” và “một cửa điện tử liên thông hiện đại” của huyện Thuận Nam
 tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, UBND huyện còn tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên ngành nhằm thay đổi phương thức làm việc thủ công sang phương thức trao đổi, khai thác, xử lý văn bản trên môi trường mạng. Tính đến thời điểm này, 100% CB, CC đều sử dụng thành thạo máy tính và sử dụng hiệu quả hệ thống thư điện tử của tỉnh, ứng dụng hiệu quả các phần mềm như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis), Mimosa.net, quản lý CB, CC, quản lý đất đai, xử lý khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là triển khai, vận hành ứng dụng hiệu quả hệ thống chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOffice). Nhờ đó, bộ phận giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông” hiện đại đã tiếp nhận hơn 49.374 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hẹn 2.742 hồ sơ, đúng hẹn 46.562 hồ sơ thuộc các lĩnh vực như tư pháp hộ tịch, bảo trợ xã hội, đăng ký kinh doanh, giáo dục, chính sách người có công, cư trú, hồ sơ hành chính thông thường, lĩnh vực xây dựng, thương mại, đất đai… Anh Nguyễn Đức Thuật, nhân viên Phòng Giao dịch Cà Ná thuộc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho biết: Tôi thường xuyên đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa” và “một cửa điện tử liên thông hiện đại” của huyện làm hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tại đây quy trình xử lý hồ sơ được giải quyết nhanh, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian đáng kể. Cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn nhiệt tình, thân thiện nên tôi rất hài lòng.

Trước nhu cầu hiện đại hoá công tác quản lý theo chủ trương CCHC của Đảng và Nhà nước, huyện tiếp tục phát huy tính ưu việt của trang thông tin điện tử để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đăng tải kịp thời tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Thêm vào đó, huyện tập trung cập nhật quy trình thủ tục hành chính “một cửa”, cho đến nay, đã đưa 291 thủ tục hành chính cấp huyện; thực hiện 36 bộ thủ tục dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, cập nhật hơn 600 văn bản chỉ đạo điều hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách thủ tục hành chính lên trang thông tin điện tử của huyện. Ngoài ra, huyện còn tiếp tục chỉ đạo Phòng Tư pháp thực hiện số hóa khoảng 100 văn bản/tháng, yêu cầu Phòng Kinh tế-Hạ tầng rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng nhà ở của người dân từ 15 ngày xuống còn 10 ngày/hồ sơ… Từ những kết quả đó, huyện đã được Ban chỉ đạo CNTT tỉnh đánh giá, phân loại, xếp hạng thứ 2/7 huyện, thành phố về việc thực hiện tốt nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong năm 2016.

Đồng chí Lê Huyền cho biết thêm: Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; kiện toàn Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên trách đối với việc ứng dụng, phát triển CNTT, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; hoàn thiện đề án triển khai mô hình “một cửa liên thông theo hướng hiện đại” gắn với lộ trình CCHC trên địa bàn huyện. Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các quy định, quy chế khai thác sử dụng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo mật dữ liệu; đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm phục vụ chỉ đạo, điều hành như: phần mềm TDOffice có chứng thư số, phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; hệ thống thư điện tử công vụ một cách hiệu quả; tăng cường cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của huyện; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ứng dụng CNTT cho CB, CC từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị và UBND các xã gắn với tiêu chí thi đua, khen thưởng hằng năm...