* 39, 46, 48 và 59
Là những con số ấn tượng của 21 nền kinh tế thành viên APEC: chiếm khoảng 39% dân số, 46% diện tích, 59% GDP và hơn 48% thương mại toàn cầu.
Trong xu thế chung trên thế giới hình thành các mô hình liên kết khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Liên minh châu Phi (AU), việc thành lập APEC vào tháng 11-1989 đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, góp phần vào xu thế đối thoại, hợp tác trên toàn cầu. APEC được thành lập nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Các biện pháp APEC được thực hiện là cắt giảm thuế và các rào cản thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng các nền kinh tế hiệu quả.
APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng có lợi đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc, tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hợp tác APEC hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua việc thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. APEC cũng là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận Danh mục chung về hàng hóa môi trường - vấn đề mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thúc đẩy hơn 10 năm qua.
Đây cũng là diễn đàn duy nhất cam kết cắt giảm các rào cản thương mại và tăng cường đầu tư mà không đòi hỏi sự ràng buộc pháp lý về mặt thực thi đối với các thành viên. Nhờ đó, 28 năm qua, các “hàng rào” đối với thương mại, đầu tư và dịch vụ đã giảm đi đáng kể, nhất là thuế quan. Chỉ trong giai đoạn 1996 -2015, thuế quan trung bình giảm hơn một nửa, từ 11% xuống còn 5%.
Những nỗ lực đó đã đưa APEC trở thành khu vực năng động nhất thế giới về thương mại và đầu tư, với những con số ấn tượng về tăng trưởng và cải thiện mức sống. Từ năm 1989 đến nay, GDP thực tế của khu vực đã tăng từ 15.700 tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ USD; GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần.
* Tạo động lực mới, vun đắp tương lai
APEC đang ưu tiên thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thị trường lương thực khu vực, quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nhân lực... Vì vậy, APEC đang tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị thế Diễn đàn kinh tế hàng đầu ở châu Á - Thái Bình Dương, góp phần duy trì vai trò của khu vực là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Mỗi năm, APEC tổ chức khoảng 20 hoạt động lớn cùng gần 200 hoạt động trải dài khắp các địa điểm khác nhau của nền kinh tế chủ nhà đăng cai diễn đàn. Hoạt động quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao, thường tổ chức vào cuối năm. Đồng thời, có khoảng 8-12 Hội nghị Bộ trưởng về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ và kinh tế cùng một số chuyên ngành khác. Có 5 hội nghị quan chức cao cấp, cùng các hội nghị, hội thảo của các ủy ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.
Mục tiêu xuyên suốt của APEC là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. APEC cũng đang triển khai các chiến lược và chương trình hợp tác lớn đến năm 2020-2025 về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, hợp tác dịch vụ, toàn cầu hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối, an ninh lương thực.
Nắm bắt những xu thế mới, APEC luôn đi đầu khởi xướng thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế và thương mại suy giảm, trong khi thời hạn hoàn thành các mục tiêu Bogor đang đến gần, APEC tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực, góp phần duy trì châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Trước những thách thức ngày càng gia tăng của các vấn đề khu vực và toàn cầu, từ ba trụ cột hợp tác ban đầu về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật, APEC đã không ngừng mở rộng nội dung hợp tác nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển trong từng giai đoạn. Hợp tác về an ninh con người và ứng phó với các thách thức toàn cầu trở thành một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự của APEC, bao gồm chống chủ nghĩa khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và tình trạng khẩn cấp, giải quyết các thách thức an ninh lương thực-nước-năng lượng, hợp tác giáo dục... Nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, APEC đã và đang thúc đẩy chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, tăng cường kết nối khu vực, tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới với 5 nội hàm là cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn.
APEC cũng đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các chương trình đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách tại các nền kinh tế thành viên. Các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối, gia tăng chuỗi giá trị, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ,...đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực.
APEC có vai trò đi đầu trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu và sẽ tiếp tục là một diễn đàn kinh tế đa phương không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng. Để duy trì vai trò và vị thế APEC, các nền kinh tế thành viên cam kết mạnh mẽ đạt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương ổn định, phát triển và thịnh vượng.
Theo TTXVN