Thuận Bắc: Tăng cường kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

(NTO) Vừa qua, tại thôn Ma Trai, xã Phước Chiến (Thuận Bắc) xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể làm 185 người mắc, không có trường hợp tử vong, nguyên nhân được xác định là do ăn phải món ăn bị nhiễm độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng. Anh Patâu Axá Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phước chiến cho biết: Sau khi xảy ra vụ việc, xã đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho 45 người tại thôn, đồng thời yêu cầu người làm dịch vụ nấu ăn cho đám cưới phải có nghiệp vụ và đảm bảo theo quy định về ATTP theo chỉ đạo của UBND huyện.

Qua vụ việc, UBND huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh ATTP trên hệ thống truyền thanh địa phương để nâng cao nhận thức cho bà con, nhất là phải kiểm tra nghiêm ngặt khi có tiệc tùng, đám cưới. Hiện nay, toàn huyện quản lý 419 cơ sở (CS) thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra các CS kinh doanh, sản xuất, phát động Tháng hành động vệ sinh ATTP. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã đã kiểm tra 270 CS, bao gồm 141 CS kinh doanh thực phẩm, 94 CS kinh doanh thức ăn, 33 CS sản xuất rượu, 2 CS bán thịt, trong đó có 220 CS đạt yêu cầu, chiếm 81,5%. Qua kiểm tra, Đoàn đã lập biên bản nhắc nhở và cam kết khắc phục do vi phạm lần đầu (22 CS), yêu cầu chủ CS tự tiêu hủy tại chỗ thực phẩm hết hạn sử dụng và không đạt chất lượng gồm: 20 lít rượu gạo (dương tính với Metanol), 36 gói mì ăn liền, 5 kg bánh kẹo các loại đã hết hạn sử dụng; nhắc nhở 28 CS thức ăn đường phố, quy mô nhỏ, hộ gia đình cam kết khắc phục vi phạm về ATTP.

 
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, mua bán trên địa bàn huyện. Ảnh: M.K

Theo chị Cao Thị Ngân, cán bộ Phòng Y tế huyện, các CS kinh doanh, buôn bán thường vi phạm những lỗi như hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng… Điều đáng nói là đa số CS dù biết vi phạm, nhưng vì tiếc tiền nên không muốn tiêu hủy hàng hóa, cứ thế bán cho khách hàng, đến khi Đoàn kiểm tra phát hiện, yêu cầu tiêu hủy tại chỗ thì các chủ CS mới thực hiện. Điển hình như quầy tạp hóa Thanh Trang (xã Lợi Hải), khi Đoàn đến kiểm tra, đã phát hiện một số bánh kẹo, đồ chơi mới nhập không rõ nguồn gốc, nhãn mác, bao bì… Đoàn đã đề nghị chủ CS tiêu hủy tại chỗ.

Tuy nhiên, thực tế số đợt kiểm tra vệ sinh ATTP không nhiều, chỉ vào dịp Tết, Tháng vệ sinh ATTP hay dịp Tết Trung thu nên rất khó kiểm tra hết các sản phẩm kinh doanh, sản xuất của các CS. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh ATTP, các chủ CS kinh doanh, sản xuất cần phải có ý thức tuân theo đúng quy định vệ sinh ATTP, bên cạnh đó, người dân phải trở thành người tiêu dùng thông minh khi chọn sản phẩm sử dụng phải xem xét kỹ nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng…

Để đảm bảo vệ sinh ATTP những tháng cuối năm, huyện Thuận Bắc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và xã để kiểm tra các CS kinh doanh thực phẩm. Việc kiểm tra tập trung vào các cơ sở kinh doanh bánh, kẹo, nước giải khát; bếp ăn tập thể; thức ăn đường phố, chợ, trường học và loại hình kinh doanh dịch vụ tiệc cưới...; chủ động giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, xử lý nhanh khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, đề xuất các biện pháp khắc phục hiệu quả...