Đảng bộ xã Phước Ninh: Lãnh đạo phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân

(NTO) Xã Phước Ninh (Thuận Nam) có diện tích tự nhiên hơn 2.686 ha. Toàn xã có 1.271 hộ, với 5.699 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 4 thôn: Hiếu Thiện, Thiện Đức, Tân Bổn và Vụ Bổn; trong đó đồng bào Chăm chiếm 80% dân số và đại bộ phận người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, bằng việc tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền xã Phước Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống người dân.

Đồng chí Phan Ngọc Minh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Ninh, cho biết: So với mặt bằng chung của huyện, Phước Ninh là xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 14% dân số. Vì thế, Đảng bộ xã xác định, công tác xây dựng Đảng phải gắn với lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân. Do đó, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, địa phương chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, kinh doanh; đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho công tác giảm nghèo. Ban Thường vụ Đảng ủy xã cũng chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các nội dung lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể bằng nghị quyết chuyên đề; đồng thời thực hiện lồng ghép giữa triển khai chủ trương, chính sách với tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân tích cực lao động, sản xuất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

 
Người dân thôn Thiện Đức trồng măng tây xanh cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: D.M

Trên cơ sở định hướng và sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã Phước Ninh đã tập trung chỉ đạo triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình, dự án khác, như: Hỗ trợ về an sinh xã hội, nước sạch, xóa nhà tạm và nhà dột nát, giới thiệu việc làm, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và cho giá trị kinh tế cao hơn; kết hợp nhiều mô hình mới trong trồng trọt và chăn nuôi. Đồng chí Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã cho hay: Ngoài việc canh tác truyền thống, địa phương chủ trương lồng ghép xây dựng các mô hình sản xuất với chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong nông nghiệp cho bà con nông dân, nhờ đó trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình kinh tế bước đầu cho hiệu quả cao như: Thâm canh, xen vụ trên cây bắp và các cây rau, đậu (hành, ớt, đậu xanh…); mô hình liên kết trồng lúa giống với Công ty CP Giống Nha Hố trên diện tích 30 ha ở thôn Vụ Bổn; mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Thiện Đức… Trong vài năm trở lại đây, tổng diện tích gieo trồng hằng năm của xã luôn đạt trên 1.400 ha; sản lượng lương thực bình quân ở mức 6.600 tấn/năm, giải quyết đáng kể nhu cầu lương thực tại chỗ. Riêng 9 tháng năm 2017, toàn xã gieo trồng được 1.674 ha, tăng 17,98% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các cây trồng chủ lực như: cây lúa chiếm 1.231 ha; bắp chiếm 40,2 ha; thuốc lá chiếm 25 ha; rau, đậu các loại 220 ha; cây nho và cây táo chiếm 33 ha. Ngoài ra, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng đàn gia súc cũng được địa phương quan tâm đẩy mạnh với nhiều mô hình thu hút hộ chăn nuôi áp dụng như: Nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; áp dụng các biện pháp thú y để bảo vệ tổng đàn trên đàn dê; mô hình cải tạo con đực giống trên đàn dê, cừu… Bằng nhiều biện pháp, đến nay, xã duy trì tổng đàn gia súc trên toàn địa bàn được 7.190 con, nhiều nhất là dê, cừu với hơn 5.300 con. Ước tính mỗi hộ có từ 4-5 con bò, dê, cừu để nuôi vỗ béo tích lũy vốn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác chăm lo đời sống cho nhân dân được cấp ủy, chính quyền xã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; y tế, giáo dục được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện mở 1 lớp dạy nghề; giới thiệu việc làm cho 300 lao động địa phương; tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho 2 trường hợp xuất khẩu lao động. Công tác giảm nghèo cũng có những chuyển biến tích cực; qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã trong 9 tháng giảm được 2,17%; hiện còn 11%, tương ứng 132 hộ/620 nhân khẩu.

Đồng chí Phan Ngọc Minh cho biết thêm: Song song với nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân thì Phước Ninh cũng đang “dồn sức” xây dựng nông thôn mới. Qua rà soát đến nay, xã đã thực hiện đạt 11/19 tiêu chí; trong số 8 tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí về thu nhập và về hộ nghèo đang là thách thức với địa phương khi đời sống của đại bộ phận nhân dân còn bấp bênh do thời tiết và giá cả nông sản không ổn định, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra; vấn đề tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh nhưng phải đáp ứng yêu cầu bền vững cũng đặt ra những khó khăn nhất định. Nhưng với quyết tâm và nỗ lực cao nhất cho mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018 (theo lộ trình chung của huyện đề ra), Đảng ủy, UBND xã phấn đấu tạo ra đột phá mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH địa phương; tiếp tục tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện về hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội, đoàn thể trong vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đẩy mạnh liên kết, triển khai các mô hình mới nhằm giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tăng cường khối đoàn kết trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.