Khoảnh khắc & sự kiện 30 - 9

 1. Trong nước

* Ngày 30-9 đến 8-10-1974: Bộ Chính trị họp bàn phương án giải phóng miền Nam.

Tại Hội nghị, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kết luận: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam thì khó có khả năng nhảy lại vào miền Nam, và dù chúng có thể can thiệp thế nào đi chăng nữa cũng không thể cứu vãn được nguy cơ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn”. 

Hội nghị đã nhất trí thông qua phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976 và thông qua dự thảo của Bộ Tổng tham mưu chọn Tây Nguyên làm hướng chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp miền Nam trong năm 1975.

Và ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà đỉnh cao là cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

* Ngày 30-9-2000: Khánh thành Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò. Công trình Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước, cách mạng tại Nhà tù Hỏa Lò (thời kỳ 1896-1954), được xây dựng trên sân hành quyết cũ, trong khuôn viên gần 200 m2 của khu di tích nhà tù Hỏa Lò. 

Đây là công trình đẹp, thể hiện hoành tráng trên nền đá đỏ. Với không gian tưởng niệm trang nghiêm, Đài tưởng niệm đã khắc họa rõ nét tinh thần chiến đấu gian khổ, anh dũng, bất khuất, xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân của các chiến sĩ yêu nước từng bị chế độ thực dân giam cầm nơi đây. Đây là công trình mang ý nghĩa giáo dục lớn lao với thế hệ trẻ Việt Nam. 

2. Thế giới

* Ngày 30-9-1935: Hoàn thành xây dựng kết cấu cơ bản đập Hoover (Mỹ).

Đập Hoover được xây dựng tại Black Canyon trên sông Colorado. Đập nằm giữa hai tiểu bang Arizona và Nevada.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 20-4-1931. 21 nghìn công nhân cùng 6,6 triệu tấn xi măng được sử dụng để xây dựng lên con đập này, với chiều cao 221m, chân đập dày 200m và đỉnh đập rộng 15m. 

Ba mục tiêu chính của việc xây đập Hoover là: Kiểm soát lũ lụt, từ con sông Colorado hoang dã; Trữ nước cho việc tưới tiêu các vùng đất trồng trọt trên sa mạc và cho các thành phố đang phát triển lân cận; tạo ra điện năng phục vụ một khu vực rộng lớn phía Tây nước Mỹ.

Được xếp hạng là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ, đập thủy điện Hoover còn được công nhận là kỳ quan lịch sử quốc gia và là một trong 100 kỳ quan của thế giới ở thế kỷ XX. 

* Ngày 30-9-2009: Tango trở thành Di sản văn hóa thế giới.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Tango - loại hình văn hóa bao gồm cả nhạc, vũ đạo và ca từ của Argentina và Uruguay là Di sản phi vật thể của nhân loại.

Ra đời và phát triển trong phòng khiêu vũ giản dị của công nhân ở các thành phố Buenos Aires và Montevideo, Tango là điệu nhảy có tính thẩm mỹ cao, được coi là biểu tượng cho niềm đam mê lãng mạn của người Mỹ Latinh. Âm nhạc, điệu nhảy và chất thơ của Tango vừa là biểu trưng, vừa cổ vũ tính đa dạng và đối thoại văn hóa. 

Đến nay, Tango không chỉ đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong xã hội Argentina và Uruguay, mà còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Đức, Mehicô…

* Ngày 30-9-2015: Palestine lần đầu thượng cờ tại Liên hợp quốc. Ngày 30-9, lần đầu tiên lá cờ của Nhà nước Palestine đã tung bay bên ngoài trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ. Đây được coi là thời khắc lịch sử của người dân Palestine trong suốt hành trình đi tìm con đường độc lập cho mình, đồng thời cũng là chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với Tổng thống Mahmoud Abbas bất chấp sự phản đối kịch liệt của Israel.

Lễ thượng cờ này đã đem lại cho người dân Palestine tia hy vọng để họ tiếp tục bền bỉ, nhẫn nại trong hành trình đấu tranh không ngừng nghỉ hướng đến hòa bình và công lý. Phát biểu tại lễ thượng cờ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gọi sự kiện này là “ngày tự hào đối với người dân Palestine trên toàn thế giới” và là “ngày của hy vọng”.

Theo TTXVN