Để thu hẹp dần sự chênh lệch giới tính khi sinh, thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh tích cực triển khai Đề án Kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh ta giai đoạn 2016-2020 ở 65 xã, phường, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, như: Họp nhóm nói chuyện chuyên đề, đến gia đình tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Tư vấn tiền hôn nhân”, xây dựng các cụm pa-nô với nội dung “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở cơ sở… Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn cho gần 200 cộng tác viên (CTV) dân số. Phổ biến quy chế, quy định vi phạm nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh cho 50 cán bộ ngành Y tế...
Để đề án hoạt động có hiệu quả, tùy theo tình hình thực tế, mỗi địa phương áp dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp, chú trọng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề, các phòng khám sản khoa nhằm hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên. Đơn cử như phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là địa phương có đông dân số đi biển nên cán bộ Trạm Y tế phường thường xuyên phối hợp với đội ngũ CTV tranh thủ thời gian ngoài giờ như buổi trưa, buổi tối đến vận động trực tiếp tại hộ gia đình. Trong các buổi họp khu phố, nói chuyện chuyên đề, đội ngũ CTV trao đổi những hệ lụy của tình trạng MCBGTKS, nêu gương những gia đình sinh con một bề là gái luôn hạnh phúc, ấm no ở địa phương...
Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Để khắc phục tình trạng MCBGTKS, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động đề án tại các xã, phường, thị trấn. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, ngăn chặn các sách báo, ấn phẩm, trang web có nội dung tuyên truyền sinh con theo ý muốn. Tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế, nhất là dịch vụ siêu âm, để các cơ sở này chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời, ngành DS mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và gia đình có con một bề là gái… tiến tới tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mỹ Dung