Đồng chí Phạm Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Thông qua các hội, đoàn thể, chủ yếu là Hội Nông dân các cấp, MTTQVN các huyện, xã đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về tính hiệu quả của mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trong tổng số 76 HTX toàn tỉnh đã có 60 HTX hoàn thành công tác chuyển đổi hoặc thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, bao gồm 43 HTX Nông nghiệp và Thủy sản, 7 HTX Tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX Giao thông vận tải, 3 Quỹ Tín dụng và 5 HTX dịch vụ tổng hợp. Còn lại có 3 HTX chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và 13 HTX ngưng hoạt động hoặc tồn tại hình thức, đang xử lý giải thể bắt buộc hoặc tự nguyện. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, trong số HTX nói trên có 42 HTX dịch vụ nông nghiệp và 1 HTX ngư nghiệp (HTX Nghề cá Vĩnh Hy ở xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), với khoảng 18.000 thành viên. Phần lớn các HTX nông nghiệp hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển, dần khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn mới, liên kết các HTX và các doanh nghiệp hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như: nho, táo, hành, tỏi, rau sạch, rong sụn, dê, cừu…
Đánh giá vai trò đóng góp của HTX trong xây dựng nông thôn mới, theo Liên minh HTX tỉnh, các HTX dịch vụ nông nghiệp đã hoạt động ngày càng đa dạng; ngoài các dịch vụ truyền thống, còn có dịch vụ thu hoạch và thu mua nông sản, kinh doanh chợ, gia công chế biến nông sản...với tỷ lệ đạt 85-90%. Ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, qua tác động từ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của MTTQ các cấp, một số HTX hoạt động thêm các dịch vụ phục vụ dân sinh như: hiếu hỉ, vệ sinh môi trường, hỗ trợ các phong trào an sinh xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, khuyến học-khuyến tài địa phương; đơn cử như các HTX ở Hữu Đức, Mông Nhuận (xã Phước Hữu, Ninh Phước), Cà Ná (Thuận Nam). Hầu hết HTX chủ động trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho các hộ thành viên nên đã tạo được niềm tin của mọi người vào mô hình HTX kiểu mới. Có thể nói các HTX đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân ở địa phương.
Ở góc độ HTX tham gia chuỗi giá trị, có một số mô hình HTX kiểu mới đã hoạt động hiệu quả và bước đầu được nhân rộng. Cụ thể các HTX đã gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án hỗ trợ tam nông, các đề án của tỉnh, tiến hành liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp. Đơn cử qua liên kết với các doanh nghiệp lớn, các HTX Nông nghiệp Hữu Đức (xã Phước Hữu), Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước), Khánh Hải (Ninh Hải) đẩy mạnh sản xuất lúa giống, các HTX Nông nghiệp Phước Thiện (xã Phước Sơn), Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) mở rộng sản xuất bắp giống, HTX Nông nghiệp Bảo Vinh (xã Phước Vinh) trồng cây nha đam. Về chăn nuôi, có các HTX nông nghiệp An Xuân (xã Xuân Hải, Ninh Hải), Tân Hà (xã Phước Hà, Thuận Nam), Phước Đại (Bác Ái), Suối Đá (xã Lợi Hải, Thuận Bắc)...liên kết doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen vỗ béo và giống.
Thực hiện mô hình HTX kiểu mới, đáng chú ý là gần đây ở Bác Ái có HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thắng liên kết với doanh nghiệp sấy các loại nông sản như nho, táo, ớt, măng, chuối; tạo bước đột phá mới. Phường Văn Hải, T.p Phan Rang-Tháp Chàm có HTX nho Evergreen Ninh Thuận được Dự án Phát triển HTX Việt Nam (VCED) do Chính phủ Canada tài trợ và tổ chức SOCODEVI thực hiện, đã từng bước củng cố lại tổ chức, chuyển đổi theo Luật HTX mới và hướng tới mô hình HTX kiểu mới quy mô lớn theo định hướng thị trường. Ở xã Phước Thái (Ninh Phước), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Như Bình nhờ ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” và liên kết doanh nghiệp sản xuất lúa giống đã giúp nâng thu nhập bình quân của nông dân lên 50 triệu đồng/ha.
Nhìn chung dù còn những mặt tồn tại, hạn chế, nhưng theo Ủy ban MTTQVN tỉnh, HTX nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi sâu sắc bộ mặt nông thôn tỉnh nhà, tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới. Để phong trào kinh tế tập thể nói chung, kinh tế HTX nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, Ủy ban MTTQVN tỉnh đề xuất tiếp tục chỉ đạo xử lý những tồn tại của HTX sau chuyển đổi và tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật HTX và các văn bản liên quan. Mặt khác, thông qua các tổ chức thành viên MT, nhất là tổ chức Hội Nông dân các cấp, sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về kinh tế tập thể nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhân dân hiểu đúng và đầy đủ hơn về bản chất và mô hình HTX kiểu mới.
Bạch Thương