Nỗi niềm cộng tác viên dân số

(NTO) Được ví như “cánh tay nối dài” của ngành Dân số, cộng tác viên (CTV) cơ sở không chỉ là lực lượng chính triển khai các dự án, đề án thuộc chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), mà còn tích cực tham gia phổ biến những chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng trẻ em, phòng chống HIV/AIDS…, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, chế độ thù lao của đội ngũ CTV dân số thấp nên khó vận động họ gắn bó, nhiệt tình với công việc, ảnh hưởng đến chỉ tiêu dân số.

 
Cộng tác viên dân số phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đến tận nhà tuyên truyền, vận động. Ảnh: Mỹ Dung

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vào mỗi đợt truyền thông, đội ngũ CTV phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Muốn việc tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi CTV dân số phải tốn không ít thời gian và công sức. Nhiều địa bàn có dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, CTV dân số khá vất vả khi cất công đến tận nhà gặp đối tượng cần tuyên truyền. Có nhiều trường hợp, CTV phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục đối tượng. CTV dân số còn phải thường xuyên sâu sát địa bàn để kịp thời cập nhật số liệu dân số kịp thời, chính xác. Theo chị Katơ Thị Tấn, CTV dân số thôn Trà Co 1 (xã Phước Tiến, Bác Ái), chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả của một CTV dân số địa bàn miền núi. Những diễn biến liên quan đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ như: Số trẻ sinh trong tháng; số phụ nữ hiện đang mang thai, những cặp vợ chồng cần thực hiện các biện pháp tránh thai…, chị đều nắm kỹ. Địa bàn quản lý rộng, đường đi lại khó khăn nhưng chị luôn bám sát cơ sở, kiên trì vận động người dân tham gia tốt biện pháp KHHGĐ. Khó khăn là vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay, đời sống của nhiều CTV dân số trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Hiện nay, với mức phụ cấp chỉ 150.000 đồng/tháng, đa số CTV dân số làm bằng tấm lòng nhiệt tình là chính và cũng không phải CTV nào cũng đủ nhiệt huyết trụ vững với công việc như chị Tấn.

Bà Hoàng Thị Hiệp, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Ninh Sơn, chia sẻ: Do chế độ thù lao của CTV thấp, không ổn định… khiến CTV dân số ở cơ sở không mấy mặn mà với công việc của mình. Hiện nay, nhiều CTV trên địa bàn huyện đều xin nghỉ việc, gây khó khăn cho công tác thu thập số liệu, thống kê dân số.

Toàn tỉnh hiện có 1.250 CTV dân số, phân bổ rộng khắp trên 65 xã, phường. Hiện phụ cấp của đội ngũ CTV dân số trên địa bàn tỉnh là 150.00 đồng/tháng/người, trong đó 100.000 đồng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và 50.000 đồng kinh phí địa phương hỗ trợ thêm. Tuy nhiên từ đầu năm 2017 đến nay, các CTV dân số vẫn chưa nhận được phụ cấp từ Trung ương, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp.

Bà Phạm Thị Cẩm Vân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên đang gặp một số khó khăn. Truyền thông là khâu quan trọng góp phần quyết định sự thành công của công tác DS-KHHGĐ nhưng kinh phí dành cho truyền thông thời gian qua liên tục bị cắt giảm. Mức thù lao dành cho CTV dân số hiện tại chưa thỏa đáng. Trong khi đó, đời sống của nhiều CTV dân số còn không ít khó khăn, nhiều người không thể gắn bó lâu dài với công việc này, dẫn đến tình trạng đội ngũ CTV dân số thường xuyên thay đổi; điều đó cũng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động DS-KHHGĐ. Thiết nghĩ, để đội ngũ CTV dân số hoạt động ngày càng hiệu quả thì rất cần có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn.