Trên đường, chúng tôi gặp anh Katơr Quay, ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính (Bác Ái) đang mang gùi giữa trời nắng gay gắt đi hái măng rừng về. Theo anh, mùa măng rừng bắt đầu từ khoảng đầu tháng 7 đến cuối tháng 10. Hằng ngày, sau khi hái măng tươi về, anh bán cho chủ thu mua với giá từ 8-10 ngàn đồng/kg, trung bình thu nhập được khoảng từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Anh Quay cho biết: Mọi người đi hái măng từ lúc sáng sớm, đến tầm gần xế chiều thì ra khỏi rừng về nhà. Ở đây có các loại như măng le, măng lồ ồ... Tuy cực nhọc khi phải đeo gùi nặng băng rừng, lội suối, nhưng vào mùa măng nhiều người vào rừng hái, nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Việc đi rừng vào mùa măng đã trở nên quen thuộc đối với người dân nơi đây. Gia đình chị Pinăng Thị Tuyết (thôn Suối Khô) mỗi ngày đều tranh thủ dậy sớm vào rừng hái măng. Chị Tuyết chia sẻ: Năm nào cũng vậy, vào mùa măng rừng, ngoài thời gian làm nương rẫy, vợ chồng tôi thường tranh thủ khoảng 5 giờ sáng vào rừng hái măng. Một ngày có khi hái được hơn 30 kg măng tươi, bán gần 300 ngàn đồng, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập.
Trong sân nhà anh Phan Văn Giáp (thôn Suối Khô), những khay măng vàng ươm đang được phơi nắng. Là người thu mua măng hơn 10 năm nay, anh cho biết: Mỗi ngày, tôi thu mua hơn 3 tạ măng tươi, sau đó luộc rồi chẻ măng ra thành khứa phơi khô, cứ khoảng 12-14 kg măng tươi thì được 1 kg khô, bán với giá từ 160-200 ngàn đồng/kg. Tôi bán cho các thương lái xuất đi các tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh... Vào mùa măng rừng, bà con ở đây chỉ cần bỏ công lên rừng hái măng là có thêm thu nhập cho gia đình.
Đồng chí Trần Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bác Ái, cho biết: Vào mùa măng rừng, đa số bà con dân tộc Raglai ngoài việc làm nương rẫy thì vào bìa rừng để hái măng chứ không xâm phạm vào vùng rừng phòng hộ. Măng là sản phẩm phụ giúp bà con sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập, nhưng không khuyến khích bà con vào rừng sâu để hái măng. Lực lượng kiểm lâm cũng tăng cường tuyên truyền bà con trong quá trình lấy măng không được gây tổn hại đến gỗ, các loại động-thực vật khác, vận động bà con trồng những loại măng có giá trị kinh tế cao tại vùng rừng nhận khoán quản nhằm tạo sinh kế bền vững dưới tán rừng.
Từ thứ “lộc rừng” này, người dân vùng cao Bác Ái có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Kim Thùy