Đồng chí Nguyễn Cam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ninh Sơn cho biết: Đến thời điểm này, các trường đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học cho năm học mới. Các cấp TH, THCS trên địa bàn huyện không còn tình trạng học nhờ, học ghép. Huyện cũng đã đầu tư kinh phí xây mới 9 phòng học cho Trường Mẫu giáo Lâm Sơn; xây mới một số phòng học cho Trường Mẫu giáo Mỹ Sơn và TH Tân Sơn A với kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các trường sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới tường rào, bê tông sân cho các trường với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng dạy và học, Phòng GD&ĐT tiếp tục đầu tư mua sắm đồ dùng dạy học, bàn ghế cho các trường với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng…
Phụ huynh mua sắm sách vở cho con em chuẩn bị bước vào năm học mới 2017- 2018. Ảnh: Sơn Ngọc
Thầy giáo Võ Văn Tài, Hiệu trưởng Trường TH Tân Sơn A cho biết: Năm học này, do tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày tăng nên nhà trường được UBND huyện đầu tư kinh phí 4,5 tỷ đồng xây mới 10 phòng học. Công trình khi đưa vào sử dụng sẽ giúp nhà trường có đủ phòng học phục vụ cho năm học mới. Trong năm học này, nhà trường dự kiến tuyển mới 158 HS lớp 1, đến thời điểm này, công tác tuyển sinh đã hoàn tất; hiện tại để đáp ứng dạy học cho số HS trên, nhà trường còn thiếu 2 giáo viên đứng lớp.
Để đảm bảo duy trì ổn định sĩ số ở các trường theo kế hoạch đề ra, ngay từ những ngày đầu tháng 8, Phòng GD&ĐT huyện đã tập trung chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát, lập danh sách, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng từng HS để có biện pháp vận động phù hợp.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện đã mở 11 lớp bồi dưỡng chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; phổ biến nhiệm vụ trọng tâm năm học mới, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm học mới.
Huyện Ninh Sơn đã có 15/43 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong năm học 2017-2018, toàn ngành nỗ lực, phấn đấu xây dựng thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia, đó là Trường TH Quảng Sơn B và TH Hòa Sơn; đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện.
Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự chung tay, hỗ trợ của toàn xã hội, tin rằng trong năm học mới 2017–2018, sự nghiệp giáo dục Ninh Sơn sẽ khởi sắc hơn nữa.
► Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn huyện Thuận Bắc đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2017-2018.
Trong năm học này, huyện Thuận Bắc có 23 trường học, với 8.282 HS ở 3 bậc học mầm non (MN), tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS). Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện tiến hành xây mới 39 phòng học, trong đó lầu hóa 6 phòng học tại Trường THCS Hà Huy Tập; 10 phòng học tại Trường TH Phước Chiến; 20 phòng tại Trường TH Lợi Hải và 3 phòng tại cơ sở TH Xóm Bằng 2. Song song với đó, huyện cũng tiến hành đầu tư các trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các phòng học được đầu tư xây dựng mới và tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học xuống cấp. Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thuận Bắc cho biết: Nhìn chung công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho năm học 2017-2018 khá tốt, đặc biệt là được sự quan tâm của tỉnh và huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp các điểm trường xuống cấp và xây mới các phòng học nên đã đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 2 phòng học ở cấp TH còn phải học nhờ, tạm và 48 phòng học cần đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Bên cạnh việc đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, Thuận Bắc cũng triển khai kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên. Toàn huyện có 641 cán bộ, giáo viên ở 3 cấp học, cơ bản đảm bảo công tác giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các đơn vị. Tuy nhiên, qua rà soát, hiện nay còn thiếu 36 giáo viên biên chế ở cấp MN và 4 giáo viên ở cấp TH.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT cũng yêu cầu các trường học tích cực triển khai dạy tiếng Việt cho HS đồng bào dân tộc thiểu số và tiến hành vận động HS ra lớp. Huyện có tới 66% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên tình trạng HS bỏ học vẫn thường xuyên diễn ra. Theo thống kê, trong năm học 2017-2018, toàn huyện có 247 HS có nguy cơ bỏ học, trước thực trạng trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể, chính quyền các địa phương tập trung huy động trẻ đến trường và hạn chế HS bỏ học; tích cực vận động các nguồn xã hội hóa để mua sách vở cho trên 2.700 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở cấp TH và THCS.
Bà Trần Thị Thu Hương cho biết thêm: Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018 đã sẵn sàng. Đặc biệt, để chuẩn bị cho ngày khai giảng, phòng đã chỉ đạo các trường xây dựng chương trình, nội dung, tổ chức khai giảng trang trọng, ngắn gọn, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho giáo viên, HS bước vào năm học mới. Trong năm học này, ngành Giáo dục huyện tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ năm học mới 2017-2018.
Nhóm PV