Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp là một nội dung quan trong cải cách tổng thể nền hành chính nhà nước.
Bộ phận “một cửa liên thông” Tp.Phan Rang-Tháp Chàm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Văn Miên
Hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở đều đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Đặc biệt, mô hình một cửa hiện đại đã được thực hiện tại huyện: Thuận Nam, Ninh Phước, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và đang tiếp tục được triển khai xây dựng cho các huyện còn lại, dự kiến đi vào hoạt động trong quý III-2017. Với việc triển khai mô hình một cửa hiện đại đã rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, số lượng công việc được giải quyết tăng hơn so với trước đây. Chất lượng giải quyết và trả kết quả hồ sơ ngày càng được nâng lên, đa số hồ sơ đều được giải quyết đúng và trước hẹn. Thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ ngày càng được nâng lên, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, hồ sơ được giải quyết đúng và trước hẹn ở cấp tỉnh đạt 98,2%; cấp huyện đạt 99,7% và cấp xã đạt 99,9%. Hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước đều thực hiện khá tốt việc công khai, minh bạch thông tin và tăng cường đổi mới phương thức đối thoại với người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận được với các văn bản và thông tin của chính quyền trên các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính nhà nước đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hiện nay, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã đưa vào thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nên việc tra cứu, lưu trữ hồ sơ, giải quyết hồ sơ trên văn phòng điện tử được dễ dàng, khoa học, rút ngắn thời gian xử lý văn bản, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Toàn tỉnh hiện có 267 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được áp dụng tại 15 cơ quan, đơn vị; 116 cơ quan, đơn vị đã xây dựng, thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo Quyết định 19/2004/QĐ-TTg ngày 5-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ và đã đưa vào áp dụng. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã từng bước cải thiện lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, góp phần phục vụ các tổ chức, cá nhân ngày càng tốt hơn.
Lãnh đạo UBND thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) thường xuyên giám sát công việc tại bộ phận "một cửa"
để nhanh chóng giải quyết hồ sơ cho người dân.Ảnh: Phan Hiếu
Đồng chí Châu Thị Thanh Hà, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Với mục tiêu xây dựng nền hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo sự hài lòng, đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, công tác CCHC của tỉnh ta có những chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 27/52 nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC năm 2017 đề ra. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành CCHC. Có 31/31 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch CCHC năm 2017; 25/31 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch tuyên truyền CCHC năm 2017; 26/31 cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua chuyên đề CCHC…
Để triển khai đồng bộ các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, đồng thời phát huy và nâng cao các chỉ số CCHC trong thời gian tới, tại hội nghị sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC và Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan nhà nước, xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, trong đó cần tập trung đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình xử lý công việc và đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thế Quang