Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Sáng 16-8, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2022 chính thức khai mạc với sự tham gia của 487 đại biểu đại diện hơn 8 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ Thập đỏ cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đại diện của Hiệp hội Chữ Thập đỏ - Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế tham dự.
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhân đạo, sẻ chia, nhân ái là một trong những giá trị văn hóa, đạo lý truyền thống của con người Việt Nam, thấm sâu trong các gia đình, dòng họ, xóm làng, cộng đồng xã hội, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, luôn là sức mạnh to lớn trong nhân dân ta.
Đoàn kết, gắn bó để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, thiên tai. Những bản chất tốt đẹp và nhân văn sâu sắc này được chúng ta gìn giữ và phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh ngày ngay.
Đánh giá cao những thành tích to lớn mà Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã đạt được, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động nhân đạo và tổ chức Hội Chữ Thập đỏ ở một số nơi còn hạn chế, công tác quản lý đối với hoạt động nhân đạo nhiều nơi còn bất cập; nội dung, phương thức hoạt động của Hội ở nhiều nơi chưa đổi mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ trong xã hội.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó có những vấn đề xã hội cần được quan tâm giải quyết như hậu quả của chiến tranh để lại còn nặng nề; thiên tai thường xuyên xảy ra ở nhiều nơi; số người nghèo, nạn nhân thiên tai, người nghèo cần trợ giúp còn nhiều. Theo Thủ tướng, điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái trong xã hội cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội trong thời gian tới.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số việc trọng tâm.
Đó là tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; tiếp tục thực hiện có hiệu quả 7 hoạt động được quy định trong Luật Hoạt động Chữ Thập đỏ, đặc biệt chú trọng công tác xã hội nhân đạo, tham gia phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, hiến máu nhân đạo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các giá trị, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhân đạo và về hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nhân đạo, qua đó, vận động, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia hoạt động nhân đạo với hình thức đa dạng, khả năng phù hợp.
Hội cần tiếp tục củng cố và phát triển mạnh mẽ tổ chức, nhất là ở cơ sở, phát huy vai trò cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, góp phần làm cho hoạt động nhân đạo được quản lý chặt chẽ, minh bạch, công bằng và đạt hiệu quả cao. Tiếp tục đổi mới hoạt động của Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn với người dân, nắm chắc đối tượng khó khăn để vận động trợ giúp trực tiếp, thiết thực, bền vững, đúng đối tượng, theo đúng tinh thần của cuộc vận động mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo.
Quang cảnh Đại hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cán bộ Hội phải có "trái tim hồng"
Hội cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ các cấp. Cán bộ Hội phải là người tâm huyết, có trái tim hồng, biết sẻ chia, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, có năng lực vận động và tổ chức có hiệu quả hoạt động nhân đạo. Quan tâm phát triển hội viên, nhất là lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên chữ thập đỏ. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo ở cộng đồng.
Cần chủ động đề xuất những chủ trương, những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo, hướng về cơ sở, nhân rộng các mô hình nhân đạo phù hợp hiệu quả. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động nhân đạo, bảo đảm đồng bộ, công bằng, minh bạch, hiệu quả, có sự điều phối thống nhất và có ý nghĩa giáo dục cao.
Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế theo các nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, nhân đạo, vô tư, trung lập, độc lập, tự nguyện, thống nhất toàn cầu. Tiếp tục thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân đạo, thu hút nguồn lực của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động nhân đạo trong nước. Kịp thời tham gia hỗ trợ các nạn nhân thiên tai, thảm họa trên thế giới.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, Hội Chữ Thập đỏ xứng đáng là tổ chức nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam và đóng góp cho phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế, tinh thần nhân đạo ngày càng lan tỏa sâu rộng, thấm đượm trong trái tim và hành động của mỗi người dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo thiết thực, kịp thời chăm lo, trợ giúp đồng bào khó khăn, nạn nhân của thiên tai, thảm họa. Chung tay cùng cả nước thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong 5 năm qua, Hội đã thu hút gần 10.000 tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa thể hiện sâu sắc tinh thần chung sức vì nhân đạo, vì mọi người, ở mọi nơi của xã hội. Hội đã có nhiều hoạt động nhân đạo tiêu biểu, nổi bật là phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam"; đã tặng 2 triệu suất quà Tết mỗi năm. Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" đã trợ giúp trên nửa triệu địa chỉ nhân đạo. Dự án "Ngân hàng bò" đã trao tặng hơn 21.000 con bò giống cho người nghèo.
Nguồn www.chinhphu.vn