1. Sự kiện nổi bật trong tuần đó là chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2017) và 20 năm Ngày Lào chính thức gia nhập ASEAN (23/7/1997-23/7/2017), sáng 11-8, nghi lễ Thượng cờ ASEAN và cờ Lào đã diễn ra trang trọng tại trụ sở Bộ Ngoại giao Lào ở thủ đô Viêng Chăn và do Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith (Sạ-lởm-xay Côm-mạ-sít) chủ trì.
Tham dự buổi lễ có Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Sounthone Xayachac (Sủn-thon Xay-nhạ-chắc); Bộ trưởng Ngoại giao Saleumxay Kommasith; Bộ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch Bosengkham Vongdala (Bò-sẻng-khăm Vông-đa-la) cùng Đại sứ các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác đối thoại tại Lào.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Kommasith cho biết đây là một trong các hoạt động được tổ chức tại tất cả các quốc gia thành viên của ASEAN để kỷ niệm 50 năm Ngày Thành lập ASEAN. Bộ trưởng khẳng định ngày 8-8 là một ngày có ý nghĩa quan trọng và mang tính lịch sử đối với tất cả các nước ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu hành trình phát triển của một tổ chức khu vực, với mục tiêu tăng cường hợp tác trên tinh thần bình đẳng, xây dựng nền hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực cũng như của thế giới. Mặc dù đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng ASEAN vẫn luôn từng bước phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu vững chắc; trở thành tổ chức kết nối giữa các nước trong khu vực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chính thức là thành viên của ASEAN từ năm 1997, trong suốt 2 thập kỷ qua, Lào luôn có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, giúp mang lại lợi ích thiết thực cho Lào nói riêng và ASEAN nói chung.
2. Thông tin rất đáng chú ý là quan hệ kinh tế - thương mại giữa CH Czech (Séc) và Nga đang có nhiều tiến triển lạc quan bất chấp phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.
Đài phát thanh Radio Praha cho biết cuộc cấm vận Nga và việc đồng ruble (rúp) mất giá mạnh vào năm 2014 khiến lượng hàng hóa trao đổi giữa CH Czech và Nga từng đạt đỉnh cao vào năm 1998, đã sụt giảm gần 40%. Trong năm 2016 kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước lại giảm thêm 10,6% so với năm 2015. Ngoài ảnh hưởng của lệnh cấm vận từ phương Tây, tình trạng này còn là do khả năng đầu tư vào thị trường Czech từ phía Nga bị hạn chế.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, trao đổi thương mại hai chiều giữa Czech và Nga tăng trở lại khi mà xuất khẩu hàng hóa từ Czech sang Nga và ngược lại lần lượt tăng 20% và 60%. Nhờ đó trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4-2017, trao đổi thương mại song phương tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2016. Điều đáng nói là trên 3/4 lượng hàng hóa trao đổi không phải là nhiên liệu mà là sản phẩm công nghệ cao. Nguyên nhân chính là tình hình kinh tế Nga dần dần được cải thiện và đồng ruble có giá hơn. Hiện tại Nga giữ vị trí 13 trong danh sách các đối tác thương mại chính của Czech.
Đồng thời, trong hai năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu trao đổi thương mại giữa Czech và Nga. Tác động tích cực tới mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa Czech và Nga còn là chuyến thăm của Tổng thống Czech Milos Zeman tới Nga vào mùa Thu tới. Tháp tùng chuyến thăm Moskva của Tổng thống Zeman sẽ là một đội quân hùng hậu gồm các doanh nhân Czech đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh đầu tư tại Nga.
3. Vụ bê bối trứng "bẩn" bắt nguồn từ Hà Lan tiếp tục lan rộng tại châu Âu khi các nước Đan Mạch, Romania và Slovakia đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại.
Cơ quan Thực phẩm và Thú y Đan Mạch thông báo có 20 tấn trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil được bán tại thị trường nước này. Số trứng đã được luộc và bóc vỏ sẵn này do một công ty của Bỉ cung cấp và phần lớn được bán tới các quán cafe và các công ty cung cấp thực phẩm, không bày bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ của Đan Mạch. Tuy nhiên, cơ quan trên cũng trấn an người dân rằng số trứng này không đe dọa tới sức khỏe người dùng do kết quả kiểm tra tại Hà Lan cho thấy fipronil có trong trứng chỉ ở mức rất thấp. Mặc dù vậy, do fipronil là hóa chất cấm trong thực phẩm, số trứng trên vẫn sẽ bị thu hồi. Cơ quan Thực phẩm và Thú y Đan Mạch khẳng định đang theo dõi sát sao vụ việc.
Trong khi đó, Romania cho biết đã phát hiện 1 tấn lòng đỏ trứng sống có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây nước này. Cơ quan Y tế thú y của Romania cho biết số lòng đỏ trứng này được nhập từ Đức nhưng chưa được phân phối ra thị trường. Các giám sát viên của cơ quan trên đang giám sát chặt chẽ các nông trại gia cầm trên toàn quốc.
Cho tới nay, vụ bê bối trứng "bẩn" đã ảnh hưởng tới 11 quốc gia châu Âu, với hàng triệu quả trứng được thu hồi. Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng trong xử lý các loại động vật làm thực phẩm cho con người như gia cầm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp. Vụ việc trên được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà.
C.Đ