Tại khu vực Đầm Nại (Ninh Hải), thời gian gần đây tái diễn tình trạng người dân sử dụng lưới kéo có xung điện để đánh bắt thủy sản. Loại lưới quét này được người dân “độ” thêm dây dẫn gắn điện từ bình ắc-quy và bộ kích điện để gây tê liệt các loại cá, tôm, trước khi bị gom vào lưới. Do đánh bắt bằng điện nên nhiều loại thủy sản lớn nhỏ ngoài tự nhiên bị tận diệt, không còn khả năng phát triển, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Anh Nguyễn Duy Anh, thôn Tri Thủy 1, xã Tri Hải (Ninh Hải) cho biết: Vào thời điểm thủy triều xuống, người dân ở các địa phương khác thường tới vùng đầm để đánh bắt bằng xung điện. Nguồn thủy sản bị tận diệt, nên đời sống của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều loại thủy sản dần ít đi và có một số không còn xuất hiện ở vùng đầm này nữa. Điển hình như trước đây, vùng này có rất nhiều tôm lớn, nhưng nay kể cả tôm nhỏ cũng khó gặp.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ninh Chử tuyên truyền cho ngư dân không sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản.
Không chỉ đánh bắt ven bờ bằng xung điện, ngư dân tại một số địa phương còn sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản trên biển. Nhất là các tàu thuyền đang hành nghề đánh bắt thủy sản bằng lưới mùng, tình trạng sử dụng chất nổ vẫn còn diễn ra. Từ chỗ ngư trường khai thác gặp khó khăn, điều kiện đánh bắt ngày một bất lợi, không ít ngư dân coi đây là một “giải pháp” để đánh bắt trên biển hiệu quả hơn. Theo một ngư dân ở xã Thanh Hải (Ninh Hải): Đối với loại tàu cá hành nghề đánh bắt bằng lưới mùng, để mang lại hiệu quả cao người dân thường sử dụng thuốc nổ. Thuốc nổ được ém chặt trong những vỏ lon, ống sữa bằng kim loại để khi đốt có sức công phá mạnh làm cá chết hoặc không còn khả năng di chuyển, sau đó mới thả lưới vớt cá lên. Số cá vớt không hết thì chết chìm dưới biển, môi trường ô nhiễm, ngư trường bị hủy diệt nên sau đó cá không quay lại chỗ đã đánh mìn. Cá đánh bằng thuốc nổ thường không được tươi, bởi phần lớn cá bị vỡ bụng, mắt đục, bán không được giá như cá câu, hay đánh lưới thông thường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, do một số ngư dân chưa ý thức được việc sử dụng xung điện, chất nổ trong khai thác thủy sản gây hủy hoại môi trường. Bên cạnh đó, có các tàu vãng lai từ các tỉnh khác tới đánh bắt tại ngư trường tỉnh ta đã sử dụng chất nổ gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc sử dụng chất nổ khai thác thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lợi thủy sản cả trước mắt và lâu dài. Sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản không chỉ gây hủy hoại ngư trường, rạn san hô, làm nghề biển thiếu tính bền vững, ảnh hưởng đến những tàu thuyền hành nghề chính đáng khác, mà còn trực tiếp gây nguy hiểm, thương vong cho người sử dụng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ, thời gian qua, huyện Ninh Hải đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng thuốc nổ. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra xử lý 2 vụ mua bán, sử dụng tàng trữ vật liệu nổ trái phép tại địa bàn xã Thanh Hải (Ninh Hải), bắt xử lý 2 đối tượng, thu giữ tang vật gồm 5,8 kg thuốc nổ, 37 kíp nổ. Xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước 15 triệu đồng. Mới đây nhất, ngày 9-6, Tổ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, Đồn Biên phòng Thanh Hải trong quá trình tuần tra tại khu vực thôn Mỹ Hòa đã phát hiện đối tượng Nguyễn Hoàng Chỉnh (SN 1972, ở thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) đang vận chuyển trái phép thuốc nổ đi cất giấu, nên đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng cùng 25 thanh thuốc nổ (5 kg) và 30 kíp nổ. Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận đã mua số thuốc nổ trên ở Tp. Cam Ranh (Khánh Hòa) về để đánh bắt hải sản. Trên cơ sở đó, chuyển cơ quan điều tra công an huyện Ninh Hải tiếp tục mở rộng điều tra.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc ngăn chặn tình trạng sử dụng xung điện, thuốc nổ đánh bắt hải sản, trong thời gian tới, huyện Ninh Hải đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vận động ngư dân chuyển đổi nghề khai thác. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm; lập danh sách các đối tượng có nghi vấn, tổ chức tuyên truyền, đồng thời thực hiện việc ký cam kết đối với các đối tượng và chủ phương tiện. Củng cố, nhân rộng mô hình tổ nhân dân tự quản bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phối hợp tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng xung điện khai thác thủy sản trên Đầm Nại.
Anh Tuấn