Ông Đậu Văn Tiệp cựu chiến binh gương mẫu làm theo lời Bác thi đua lao động, sản xuất giỏi.
Năm nay đã bước sang tuổi 66, nhưng trông ông Tiệp vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi biết mục đích của chúng tôi là muốn gặp ông để viết bài về tấm gương lao động, sản xuất giỏi, ông Thiệp cười nói: Bản thân tôi nhận thấy mình chưa giỏi và còn phải học hỏi nhiều. Thành quả của ngày hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó, nỗ lực của mấy chục năm lao động, sản xuất. Bác Hồ đã dạy rồi, bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ là ai đều phải thi đua: làm anh bộ đội trong thời chiến thì phải thi đua chiến đấu; hòa bình rồi thì phải thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Nghệ An giàu truyền thống yêu nước, năm 1969, ông Tiệp tình nguyện nhập ngũ và được phân công vào quân tình nguyện tại chiến trường Lào, làm công tác hậu cần. Năm 1973, ông xuất ngũ, sau đó được cử đi học cơ khí tại tỉnh Hà Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, ông được điều động vào Ninh Thuận, công tác tại một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi nghỉ công tác tại cơ quan nhà nước, ông Tiệp mở cơ sở gia công đồ gỗ, mỹ nghệ tại nhà.
Nghề mộc đối với ông không chỉ để mưu sinh, mà còn là niềm đam mê. Từ nhỏ, ông tự mày mò học làm các vật dụng nhỏ trong gia đình, rồi tìm các thợ mộc học làm những đồ vật khó, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, cứ thế trở thành thợ lành nghề. Thời gian đầu đi vào hoạt động, trong thời kỳ bao cấp, đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, nhu cầu, thị hiếu của người dân đối với đồ gỗ, mỹ nghệ chưa cao, nên cơ sở mộc của ông gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như phải “phá sản” vì thua lỗ. Nhưng với ý chí vươn lên, ông quyết bám nghề. Đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, nhu cầu vật dụng đồ gỗ, hàng mỹ nghệ ngày càng cao. Nhận thấy nghề mộc có nhiều tín hiệu khả quan, ông mạnh dạn vay vốn mở rộng cơ sở; thường xuyên tham gia vào các hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức vừa để trưng bày, quảng bá sản phẩm, vừa tạo mối quan hệ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về quản lý, phát triển kinh doanh cũng như kỹ thuật của các nghệ nhân, thợ lành nghề trong và ngoài tỉnh để nâng cao tay nghề. Nhờ niềm đam mê nghề nghiệp, sự cần cù, sáng tạo, ham học hỏi đã giúp ông sản xuất nhiều vật dụng, hàng mỹ nghệ có mẫu mã lạ, đẹp, bảo đảm chất lượng, được khách hàng đánh giá cao. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng tự tìm đến đặt hàng. Vốn là kỹ sư cơ khí, ông còn vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để chế tạo ra các thiết bị, máy móc như máy tiện, máy cưa gỗ… phục vụ sản xuất, giúp ông tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Lợi nhuận trung bình hàng năm từ cơ sở gia công đồ gỗ, mỹ nghệ của gia đình ông đạt từ 500-700 triệu đồng. Nhờ đó, ông có điều kiện cho các con học hành thành đạt.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, trong quá trình làm nghề, ông còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Nhiều người được ông đào tạo trở thành thợ mộc lành nghề, tự đứng ra mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Hiện cơ sở của ông Tiệp đang hợp đồng 7 nhân công, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Nhân công khi hợp đồng làm việc tại cơ sở còn được ông Tiệp hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT, bảo hiểm thân thể, nhờ đó an tâm làm việc. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn đi đầu trong mọi phong trào do địa phương, Hội phát động; bảo ban con cháu hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, sống chan hòa với mọi người xung quanh, được mọi người quý mến. Ông Tiệp xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua làm theo lời Bác của Hội Cựu chiến binh địa phương.
Uyên Thu