Thông tin từ Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết, trong năm 2011, ở tỉnh ta sẽ diễn ra một số hoạt động văn hóa đáng chú ý, như tổ chức Trại điêu khắc quốc tế nhân dịp kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng Ninh Thuận; đăng cai tổ chức liên hoan Làng biển Việt Nam vào tháng 6; mở rộng quy mô lễ hội Ka-tê mang tầm khu vực và quốc gia. “Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước. Lượng khách đến Ninh Thuận trong năm vì thế sẽ cao hơn so với những năm trước”- đồng chí Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, tự tin nói.
Trên thực tế, khách du lịch đến tỉnh ta năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Đơn cử như năm 2010 là 700.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2009. Nhưng, hạn chế của “ngành công nghiệp không khói” là khách đến rồi đi ngay chứ ít khi nghỉ lại. Ông Lưu Quang Tuấn Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo truyền thông và Du lịch, chuyên xây dựng các tour du lịch, chia sẽ: “Chúng tôi đã thử mở các tour dài ngày nhưng ít được khách lựa chọn. Hầu hết khách đến Ninh Thuận chọn tour ngắn ngày là tắm biển Ninh Chử rồi đi tham quan làng nghề Gốm Bầu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Chỉ có từng ấy điểm tham quan, níu khách ở lại được một đêm đã mừng lắm rồi!”. Làm du lịch mà không giữ được khách ở dài ngày, đồng nghĩa với việc “không lấy được tiền của thiện hạ”, dẫn đến doanh thu thấp.
Theo những người làm quy hoạch, tiềm năng du lịch ở tỉnh ta là rất lớn. Lợi thế của hơn 100 km bờ biển với những bãi tắm, vịnh đẹp như Cà Ná, Ninh Chử, Vĩnh Hy… không phải ở đâu cũng có. Đó là chưa kể đến nền văn hóa Chăm khá đặc sắc với những ngôi tháp cổ kính, làng nghề truyền thống có từ lâu đời… Trong tương lai, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chỉ đứng sau năng lượng (điện hạt nhân, phong điện).
Tuy nhiên, hiện tại du lịch tỉnh ta còn nhiều ngổn ngang. Chỉ lấy bãi tắm biển Ninh Chữ làm ví dụ thì thấy môi trường chưa thực sự hấp dẫn du khách, các hoạt động dịch vụ nghỉ dưỡng, thể thao trên biển như đua thuyền, lướt sóng…chưa được khai thác triệt để. Ông Bá Đức Toại, Phó giám đốc Resort Long Thuận, lo ngại: “Nhiều du khách không hài lòng về môi trường cảnh quan ở biển. Nhất là bãi biển còn nhiều rác rưởi”.
Trong khi đó, theo đồng chí Trần Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), mặc dù các làng nghề Gốm Bàu Trúc, Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng quy cũ, nhưng “dân chưa biết làm du lịch”. Khách tự đến, tự tham quan, rồi tự đi… chứ không có người hướng dẫn. Ông Lưu Quang Tuấn Huy, cho biết: “Chính không có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nên khó chuyển tải hết những giá trị văn hóa tiềm ẩn trong các làng nghề cho du khách, vì vậy họ có cảm giác bình thường, không có gì mới, lạ”.
Có rất nhiều việc ngành du lịch phải làm để giữ chân du khách. Trong đó cần đẩy mạnh quảng bá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đổi mới cách thức làm du lịch là “chờ khách đến” như lâu nay, bằng “mời khách về”… Theo đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở VH-TT-DL, sắp tới nên áp dụng loại hình du lịch “homestay”. Có nghĩa, khách du lịch đến các làng nghề sẽ ở trong nhà dân, làm gốm, dệt thổ cẩm và sinh hoạt cùng người dân. Đối với du lịch biển, phát triển thêm môn thể thao thuyền buồm, thích hợp với vùng biển có nhiều gió như ở tỉnh ta… Nếu vậy thì, hy vọng khách du lịch sẽ ngày càng gắn bó hơn với Ninh Thuân.
Tổ chức lễ hội truyền thống ở tháp Chăm là một hình thức giữ chân khách du lịch
Phát triển du lịch “homestay” du khách sẽ có cơ hội trực tiếp làm gốm cùng các nghệ nhân