|
Đồng chí Lê Văn Bình Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh |
Phóng viên: Xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá những kết quả đạt được trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh ?
Đồng chí Lê Văn Bình: Mỗi khi tháng 7 về, thật ý nghĩa và thiêng liêng biết bao khi cả nước đang hướng về các hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ. Trong những ngày tháng 7 này, cả nước như thêm gắn bó với nhau hơn bởi đều có chung niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc về những NCC với cách mạng, những người đã chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình hoặc mang trên mình thương tật suốt đời vì sự tồn vong của quốc gia dân tộc, vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân hôm nay. Xuất phát từ nhận thức trên, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Ninh Thuận luôn xác định công tác chăm sóc NCC, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục và trọng tâm của các ngành, các địa phương, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Theo đó, từ khi tái lập tỉnh (tháng 4-1992), đến nay, toàn tỉnh đã công nhận, xác nhận để thực hiện chế độ cho hơn 36.000 hồ sơ (tăng hơn 12 lần so với năm 1992), trong đó có hơn 4.000 đối tượng được chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng, với kinh phí hơn 46 tỷ đồng/năm; thực hiện xây dựng và sửa chữa 4.132 nhà ở cho NCC với kinh phí hơn 59,26 tỷ đồng; huy động đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” 3 cấp được 22,59 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được chăm sóc đỡ đầu và phụng dưỡng; 100% NCC được cấp thẻ BHYT và hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định; bình quân mỗi năm tỉnh trích ngân sách khoảng 2,7 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà các đối tượng người có công nhân dịp lễ, tết; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ được triển khai có hiệu quả, hiện nay có 1.182 mộ liệt sỹ được chăm sóc tại nghĩa trang; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, NCC và giữ vững trong những năm qua.. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo ban hành và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho con em liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; đồng thời chỉ đạo phát động thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công. Nhờ đó, đến nay nhìn chung đời sống của các hộ gia đình người có công đã đi vào ổn định và ngày càng được cải thiện, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Đoàn Thanh niên phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thăm hỏi, động viên Mẹ VNAH Trần Thị Gìn. Ảnh: T.Q
Đáp lại sự chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự quan tâm chăm sóc của các tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống cách mạng của gia đình, luôn nêu cao ý thức khắc phục khó khăn, tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nỗ lực trong công tác, trở thành những gương điển hình tiên tiến; đồng thời nuôi dạy con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, trở thành người có ích cho xã hội.
Thời gian tới, Tỉnh ủy - UBND tỉnh tiếp tục xác định công tác Đền ơn đáp nghĩa là nghĩa vụ, trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Phóng viên: Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng hiệu quả, thiết thực, thời gian đến cần thực hiện những giải pháp gì?
Đồng chí Lê Văn Bình: Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng hiệu quả, thiết thực; thời gian tới, từng ngành, từng cấp cần nghiên cứu các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành ngày 19-7-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng. Lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước về công tác NCC với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ NCC với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc các đối tượng NCC, nhất là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, trợ giúp phương tiện đi lại. Tập trung xây dựng và phát triển Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời coi trọng việc phân bổ, sử dụng Quỹ đúng quy định, thường xuyên công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng. Gắn trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh và gia đình NCC phát huy truyền thống tốt đẹp, tự nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tập trung giải quyết tốt các tồn đọng chính sách sau chiến tranh, hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho NCC với cách mạng. Đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ, chỉnh trang tu bổ xây dựng mới các công trình ghi công liệt sỹ; đáp ứng tốt nhu cầu tình cảm, tâm linh; khắc phục và hạn chế thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm trong thực hiện các chính sách đối với NCC với cách mạng. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và Nhân dân trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Thực hiện tốt việc giám sát quá trình xây dựng và thực hiện chính sách NCC với cách mạng; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NCC với cách mạng, kiến nghị với cấp uỷ và cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của NCC với cách mạng.
Kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS và triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, mở ra giai đoạn mới nâng chất lượng, hiệu quả công tác TBLS và NCC với cách mạng phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo, quản lý, điều hành và vận động các tầng lớp Nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tham gia cùng giám sát; phát huy thế và lực mới của tỉnh nhà, công tác TBLS và NCC chắc chắn sẽ đạt nhiều thành tựu mới và hoàn thành mục tiêu: “Đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân tại nơi cư trú”, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển, nhân dân Ninh Thuận ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Xuân Bính (thực hiện)