Thời gian qua, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đồng thời, thực tốt Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATPT” trên địa bàn tỉnh, cùng với việc chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn đồng thời hướng dẫn cách lựa chọn thực phẩm an toàn…gắn với tăng cường quản lý nhà nước về bảo đảm VSATTP, nhất là các sản phẩm rau, thịt, hải sản các loại vốn là thực phẩm chủ lực và phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mọi người… đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cân phân mà nói việc kiểm soát ATVSTP trên thực phẩm nói chung và rau, thịt… hiện còn nhiều hạn chế. Rau, thịt còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm cao như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh; nhiễm vi sinh gây bệnh… trên rau, thịt. Các sản phẩm không bảo đảm VSATTP có thể dẫn đến ngộ độc, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng, về lâu dài, các chất độc hại tích tụ dần trong cơ thể và có thể gây ra các bệnh mạn tính nguy hiểm…
Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 34.786 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ thực phẩm thuộc diện quản lý của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố; trong đó, có 4.483 cơ sở ngành Y tế quản lý, 3.621 cơ sở ngành Công Thương quản lý, nhiều nhất là ngành nông nghiệp và PTNT quản lý trên 26.680 cơ sở. Thực tế cho thấy, số cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chỉ mới được trên 3.250 cơ sở, trong số này ngành y tế chỉ mới cấp được 29,9%, ngành Nông nghiệp và PTNT cấp đạt 12,6%, thấp nhất là ngành Công Thương cũng chỉ mới cấp 7,95% giấy chứng nhận. Đó là chưa đề cập đến những cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mà chỉ thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP có tổng số trên 31.250 cơ sở nhưng đến nay theo ngành chức năng cho biết cũng chỉ mới thực hiện ký cam kết được 38,6% trong số này!. Có thể nói, hầu hết các cơ sở trên có quy mô nhỏ lẻ, mang tính tự phát, thời vụ do xã, phường quản lý, nhưng đa phần cấp chính quyền này chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác quản lý ATTP, cùng với ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế đã gây khó khăn trong quản lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và phát triển bền vững của tỉnh. Chỉ tính riêng “loại hình” thức ăn đường phố vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh mà tác nhân chính gây ô nhiễm thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả...
Theo báo cáo mới đây cho thấy, trong 6 tháng đầu năm các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành thanh kiểm tra 4.418 cơ sở trên địa bàn tỉnh, có 83,9% số cơ sở đạt chuẩn, mặc dù có tiến bộ hơn so với năm trước nhưng chưa phải đã giảm mối lo về VSATTP vì hiện còn có đến 17,2% chưa đạt!.
Suy cho cùng, VSATTP là vấn đề phức tạp liên quan tới các cấp, các ngành và toàn xã hội. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải làm thường xuyên, liên tục và đồng bộ trong suốt cả năm. Trong hành động cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhân dân, nghĩa là từ người sản xuất, chế biến, kinh doanh đến người tiêu dùng. Tạo sự quan tâm tích cực của dư luận xã hội, hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng…Để đạt được kết quả cao nhất và bền vững, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo VSATTP, đó chính là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
HH