Đó là đề nghị của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài tại Hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 2 diễn ra sáng nay (16/7) với 15 tỉnh ven biển và 9 tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Hội nghị do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức.
Hình ảnh đường đi và vị trí cơn bão.
Theo ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, vào hồi 8h sáng nay, vị trí tâm bão số 2 (Talas) ở vào khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc, 109,8 độ Kinh Đông. Bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11 và di chuyển khá nhanh với tốc độ 20km/h theo hướng Tây Tây bắc. Quỹ đạo ảnh hưởng của bão từ TP. Hải Phòng đến Quảng Bình, trong đó trọng tâm ảnh hưởng ở ba tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Dự báo, bão sẽ mạnh nhất khi đổ bộ vào Vịnh Bắc bộ và đổ bộ vào 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở cấp 9, giật cấp 10-11. Riêng với các tỉnh trọng tâm ảnh hưởng của bão có thể kèm theo lốc xoáy và dông, dẫn đến các nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.Khả năng bão sẽ đổ bộ vào nước ta trong khoảng thời gian từ 1h-7h sáng 17/7.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 ngày 16/7, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 65.755 phương tiện với 263.503 người và 2.938 lồng bè, lều, chòi nuôi trồng thủy sản với 4.841 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 2 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Phát biểu tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Văn Phú Chính đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai thông báo, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Chủ động việc cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cần quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyết đối. Đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.
Nhận định cơn bão đổ bộ khi nhiều công trình về thủy điện, thủy lợi còn dở dang, đồng thời hoạt động du lịch và lao động trên biển vẫn còn nhiều, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đề nghị không được chủ quan với tình hình của bão.
Hiện nay, các lực lượng từ Quân khu 5 trở ra đã chuẩn bị đủ quân số và 3.000 phương tiện của quân đội, dân quân tự vệ sẵn sàng phối hợp với các địa phương ứng phó với bão số 2. Các đơn vị của quân đội sẵn sàng ứng phó và kịp thời xử lý khi phát sinh các tình huống.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đánh giá, mưa lớn kéo dài tại một số tỉnh vừa qua dẫn đến đất bị bão hòa nước, vì vậy, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Các địa phương cần chủ động trong việc sơ tán và đảm bảo an toàn cho người dân. Đặc biệt, trong đợt này, có khả năng sẽ xả hồ chứa trên sông Hồng, trong đó có hồ Hòa Bình, vì vậy, cần đảm bảo hệ thống đê điều khi xả lũ ở hồ.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị Tổng cục thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần giám sát, tham mưu cho các địa phương bám sát tình hình tàu thuyền, đồng thời báo cáo tới các cấp và Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khi có các sự cố xảy ra. Trước 17h chiều nay, các địa phương hoàn thành việc di dời người dân trên biển, chằng chống tàu thuyền, khu neo dậu, nhà cửa. Với các vùng trọng tâm cần chỉ đạo cấm biển, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các phương án chỉ đạo; các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện truyền thông ở trung ương và địa phương tăng cường đưa tin về diễn biến của cơn bão số 2.
Nguồn www.chinhphu.vn