(NTO) Mới đây, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đặc biệt “Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố (vỉa hè) trên địa bàn tỉnh” đã được nhiều người quan tâm vì một lẽ vỉa hè vốn có quan hệ “thiết thân” đến việc mưu sinh của không ít người dân, lẽ khác là về phía chính quyền sở tại trong việc quản lý vỉa hè một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch…thông qua việc cấp phép, góp phần giải quyết “điểm nóng” về thực trạng lấn chiếm vỉa hè như hiện nay…
Cân phân mà nói, hầu như ai cũng đều thừa nhận sự tồn tại của các hoạt động buôn bán rất đa dạng từ hàng ăn, hàng uống, quần áo, kính mắt…giá siêu rẻ đến các mặt hàng, dịch vụ…bình dân khác mà chỉ có vỉa hè, lề đường là nơi thuận tiện nhất để người ta buôn bán những mặt hàng này, hình thành nên hoạt động “kinh tế vỉa hè”. Có thể nói, những hoạt động của khu vực kinh tế này tuy không “chính quy” nhưng đã thu hút một lượng khá lớn những người lao động không có việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ cho xã hội với giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của một bộ phận dân cư thu nhập thấp. Ngoài ra, nhiều nhà phố cũng tận dụng mặt tiền để kinh doanh, nên thói quen mua sắm dọc trên vỉa hè vẫn còn phổ biến trong khi đối với chính quyền địa phương lại không mong muốn bởi hoạt động buôn bán này tạo nên mất ổn định về trật tự xã hội cũng như mỹ quan đô thị…
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và một bên là cuộc sống của hàng vạn người dân, hiện còn sử dụng vỉa hè làm nơi kiếm sống?. Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết HĐND tỉnh vừa mới thông qua như đã nêu trên chính là “đáp số” cho bài toán khó về quản lý trật tự lòng đường, hè phố. Thế nhưng cũng có nhiều ý kiến tỏ ra “chưa thông” và cho rằng chức năng của vỉa hè là dùng cho mục đích công cộng, hay nói khác hơn là dành cho người đi bộ vì sao lại “cho thuê”!. Mặc khác liệu có mâu thuẩn khi các chủ hộ có nhà mặt tiền lâu nay đã “quen” xem vỉa hè như là khoảnh sân riêng mà không trả đồng phí nào, thậm chí còn cho người khác “thuê” để làm nơi để xe hoặc buôn bán…Chung quy lại, vấn đề đặt ra là nếu chấp nhận dành một phần vỉa hè cho các hoạt động kinh doanh thì nên sắp xếp các hoạt động trên thế nào để vừa đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị vừa là nơi cho người dân buôn bán nhưng cũng rất cần sử dụng một phần không gian vỉa hè cho người đi bộ…
Thiết nghĩ, để vừa quản lý “kinh tế vỉa hè” hiệu quả, vừa dành chỗ cho người đi bộ đúng với chức năng của vỉa hè, cần cân nhắc nên áp dụng cho các tuyến đường có vỉa hè có độ rộng trên 3m. Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng đối với đối tượng thu phí kể cả những hộ có nhà mặt tiền sử dụng vỉa hè. Bởi lẽ, nếu việc kiểm soát, quản lý không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng không ít trường hợp lợi dụng “thuê 1, lấn 10”, khi đó, lòng đường, vỉa hè lại trở nên bát nháo, còn ngân sách thì bị thất thu…
Việc thu phí phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, tạo ra bộ mặt đường phố ngăn nắp hơn và tạo nguồn thu cho ngân sách… là chủ trương đúng và cần phải làm quyết liệt. Tuy nhiên, cách làm như thế nào cho hợp lý và đảm bảo hài hòa lợi ích là vấn đề quan trọng mà các cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng.
TD