Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo quy trình làm đề thi năm nay, các câu hỏi sau khi được chuẩn hóa sẽ được sắp xếp thành các nhóm dễ, trung bình, khó và rất khó. Sau đó hội đồng ra đề thi mới bốc câu hỏi trong từng nhóm đó ra để làm đề thi.
Trong mỗi đề thi, 60% là kiến thức cơ bản phục vụ tốt nghiệp, 40% còn lại là phần nâng cao, phục vụ cho việc phân hóa. Với phần nâng cao này, không phải tất cả các thí sinh đều làm được.
Sẽ có nhóm làm được 25%, nhóm làm được 30% tùy theo trình độ của các em. Chỉ cần làm được thêm 1 câu mức điểm sẽ khác đi, chứ không phải tất cả các em đều làm một mức như nhau. Không phải tất cả cùng được 8 điểm hay 9 điểm.
“Với cách lập ma trận đề thi như vậy, năm nay sẽ có thí sinh đạt điểm cao nhưng số thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều như những năm trước, vì đề thi sẽ có những câu rất khó mà chỉ những em thật giỏi mới có thể làm được. Do đó, chúng ta có thể yên tâm rằng sẽ không xảy ra tình trạng "mưa điểm 10" như người ta vẫn nói trong những năm trước đây”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Các trường đại học, kể cả các trường tốp trên, sẽ có sự phân loại cần thiết, không phải chỉ tuyển những em 29 điểm mà sẽ có các thí sinh ở mức điểm thấp dần. Như vậy, kết quả thi năm nay vẫn sẽ bảo đảm cho các trường dễ tuyển sinh.
Về điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm sàn năm nay không thể quá chênh lệch so với năm trước và dù làm bài thi tốt hay không so với dự kiến, thí sinh cũng nên bình tĩnh phân tích trước khi điều chỉnh nguyện vọng.
“Với cơ chế xét tuyển năm nay thì thể nào thí sinh cũng sẽ đỗ nguyện vọng ưng ý nhất trong khả năng cho phép, nên không việc gì phải quá lo lắng”, Thứ trưởng Ga cho hay.
Sau khi có kết quả thi thì hội đồng điểm sàn sẽ họp (cũng chỉ năm nay nữa thôi vì từ sang năm chúng ta bỏ điểm sàn), dựa vào phổ điểm để chọn mức điểm ngưỡng bảo đảm chất lượng phù hợp. Tất nhiên điểm sàn không thể quá cao, cũng không thể quá thấp, và khó mà có gì đột biến so với năm trước. Bởi thông thường thì chất lượng dạy học ở trường phổ thông cũng như trình độ của học sinh không thể thay đổi đột ngột.
Với quy trình xét tuyển đại học như năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, Bộ đã hoàn thiện hệ thống phần mềm hỗ trợ các trường trong công tác xét tuyển. Đặc biệt, các trường đã tự động thành lập các nhóm để lọc ảo. Khi có kết quả rồi, các trường sẽ chạy phần mềm để xác định được danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường mình.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với thành công trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định kỳ thi với cách thức giao cho địa phương chủ trì tổ chức vào năm 2018. Tuy nhiên, Bộ sẽ có một số điều chỉnh nhằm tiếp tục tạo thêm điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực và sự tốn kém cả về thời gian, kinh phí cho nhân dân.
Nguồn www.chinhphu.vn