Đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện. Ảnh : Diễm My
Cùng với đó đã có nhiều chiến dịch được phát động, thu hút được đông đảo tập thể, cá nhân và “chủ lực” vẫn là các bạn trẻ đoàn viên, thanh niên tham gia như: “Lễ hội xuân hồng”, “Chiến dịch những giọt máu hồng” vào dịp hè, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”, “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu”…Ngoài ra còn phổ biến sâu rộng các thông điệp như “Hiến máu cứu người xin đừng thờ ơ”, “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”…Đặc biệt là Thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đồng bào và chiến sỹ nhân “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” 7-4-2017. Nhờ đó, lực lượng tham gia hiến máu tình nguyện của tỉnh ngày càng đông, tính đến nay đã có trên 3.000 người đăng ký, qua khám sàng lọc toàn tỉnh có gần 2.280 người đủ điều kiện hiến máu và đã hiến cũng chừng đó đơn vị máu, đáp ứng phần lớn nhu cầu máu phục vụ cấp cứu, điều trị cũng như kịp thời bổ sung nguồn máu dự phòng... Điều cũng rất đáng ghi nhận là toàn tỉnh còn có hàng trăm tình nguyện viên thường xuyên tham gia hiến máu, nhiều người trong số đó đã hiến máu ít nhất 3 lần trở lên. Đặc biệt như anh Lê Văn Tám (sinh năm 1972) hiện là Phó Chủ tịch HĐND xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã có 30 lần hiến máu tình nguyện, cứu sống nhiều bệnh nhân. Đến nay, qua 11 năm tham gia đồng thời là thành viên đội tình nguyện hiến máu khẩn cấp của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, anh Tám luôn ấp ủ một điều là việc cho đi những giọt máu để cứu sống các bệnh nhân đang cần truyền máu khẩn cấp là một việc làm rất ý nghĩa trong cuộc sống. Theo lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh thì hiện nay, tại tỉnh ta không chỉ có đoàn viên thanh niên mà nhiều cán bộ, lãnh đạo các đơn vị cũng tích cực tham gia hiến máu, các tình nguyện viên hiến máu dự bị, câu lạc gia đình hiến máu hoạt động rất hiệu quả. Đạt được kết quả đó là nhờ mọi người ngày càng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng, ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu cứu người nên đã tích cực tham gia hưởng ứng.
Rõ ràng, hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, là một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người và là truyền thống tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Không những vậy, theo các công trình nghiên cứu khoa học của thế giới và Việt Nam khẳng định: nếu hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn không có hại cho sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể của người hiến máu. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo lại phục vụ cho quá trình tuần hoàn... Các nhà khoa học đã chứng minh rằng mỗi đơn vị máu chúng ta hiến, thông qua tách chiết xuất các thành phần (hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…) có thể góp phần mang lại hy vọng sống cho 4 người bệnh, đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ.
Do vậy, ngày nay hiến máu nhân đạo không còn là trách nhiệm, bổn phận riêng của một cá nhân cụ thể nào mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Với thông điệp: “ Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” đã bao trọn ý nghĩa và mục đích lớn lao đó. Mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người thì sẽ trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất trong cuộc sống con người.
Như nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã từng kêu gọi: Mỗi cá nhân, mỗi tập thể, đặc biệt là các nhà quản lý hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người bệnh, coi đó là trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của mỗi chúng ta.
HH