Phong trào sáng tạo khoa học-kỹ thuật trong học đường

(NTO) Phong trào sáng tạo khoa học-kỹ thuật trong học đường do ngành Giáo dục và Đào tạo phát động trong thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của học sinh. Xuất phát từ nhu cầu thực tế trong cuộc sống và những kiến thức được học ở nhà trường, các em đã sáng tạo ra những sản phẩm khoa học-kỹ thuật có tính ứng dụng cao.

Chứng kiến ông nội hàng tuần phải đến bệnh viện để chữa trị căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, em Nguyễn Thiện Luận, học sinh lớp 10, Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã mày mò thiết kế thiết bị hỗ trợ kéo đốt sống cổ dùng chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thiết bị của em rất đơn giản, bao gồm: Bộ trục điều khiển bằng tay kết nối với một lò xo, được đánh dấu số ký-lô-gam tương ứng để người bệnh tự điều khiển. Điểm nổi bật của ghế đốt sống cổ này là người bệnh chủ động điều khiển hoàn toàn mà không cần đến các kỹ thuật viên hay y, bác sỹ trợ giúp. Sản phẩm ghế hỗ trợ kéo đốt sống của em Nguyễn Thiện Luận đã đạt Giải Khuyến khích trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của học sinh THPT cấp quốc gia năm 2017. Thiện Luận cho biết: Sản phẩm của em đã được Hội Đông y khảo sát trực tiếp trên bệnh nhân và được đánh giá rất tốt, thiết thực, làm cho bệnh nhân không cảm thấy khó chịu, không cần nhân viên y tế đứng hỗ trợ bệnh nhân có thể hoàn toàn chủ động trong việc nâng hay giảm số ký-lô-gam, khi bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở cổ thì họ có thể buông ra.

Nguyễn Thiện Luận thiết kế thiết bị hỗ trợ kéo đốt sống cổ dùng chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ.

Ông Nguyễn Văn Khang ở khu phố 6, phường Bảo An, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, người bệnh đã dùng qua sản phẩm của Luân cho biết: Tôi đã dùng qua sản phẩm kéo đốt sống cổ ở bệnh viện nhưng đặc thù của sản phẩm này là tất cả hoạt động hoàn toàn nhờ vào nhân viên y tế, bệnh nhân không thể tương tác với thiết bị nên nó không được thoải mái. Từ khi sử dụng ghế kéo đốt sống cổ của em Luận tôi cảm thấy thuận tiện, thoải mái hơn và cũng rất dễ sử dụng.

Trong một đợt học ngoại khóa tại bãi biển Ninh Chử, hai em Tạ Thị Thùy Duyên và Lương Việt Hoàng Linh, học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nhận thấy các cô chú công nhân rất vất và để thu dọn rác. Từ đó, hai em đã nảy ra ý tưởng về chiếc thùng rác xanh nhằm tối ưu hóa việc phân loại rác và quan trọng hơn là giúp mọi người thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường. Thùng rác xanh được thiết kế để phân loại rác ngay tại nguồn với 2 hộc chứa rác hữu cơ và vô cơ. Rác vô cơ khi bỏ vào thùng sẽ được cấp men vi sinh để phân hủy thành phân hữu cơ. Phía trên thùng rác có lắp tấm pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho bộ cảm biến ánh sáng và hệ thống loa. Vào ban đêm thùng rác xanh sẽ phát ánh sáng và câu thoại hãy bỏ rác vào thùng để nhắc nhở mọi người. Ngoài ra, xung quanh thiết bị này còn có hệ thống tưới nước phun sương để trồng hoa tạo cảm giác thân thiện cho mọi người. Giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật quốc gia năm 2017,- đã ghi nhận sự sáng tạo dành cho hai em. Nói đến sản phẩm này, em Tạ Thị Thùy Duyên chia sẻ: Thùng rác xanh có 3 đặc điểm nổi bật: Thứ nhất là việc sử dụng pin năng lượng mặt trời sẽ mang tính di động cao, ngoài ra an toàn cho người sử dụng; đặc tính thứ hai là phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ, rác vô cơ thì được các cô, chú công nhân lấy đi và rác hữu cơ được phân hủy từ rác vô cơ sẽ chuyển hóa thành phân hữu cơ; thứ ba là việc trồng cây xung quanh thùng rác sẽ có tác dụng làm thay đổi góc nhìn của mọi người về thùng rác và tăng mỹ quan đô thị.

Hai em Tạ Thị Thùy Duyên và Lương Việt Hoàng Linh và ý tưởng chiếc thùng rác xanh.

Trong những năm qua, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học đường được ngành Giáo dục đẩy mạnh. Với những kiến thức được học trên ghế nhà trường, các em đã vận dụng vào thực tế nghiên cứu khoa học-kỹ thuật, công nghệ để sáng tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tế. Trong cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT năm 2017, các học sinh tỉnh ta đã đạt được 3 giải khuyến khích. Riêng Hội thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ XI năm 2017 được tỉnh ta phát động đã thu hút 58 mô hình, giải pháp vượt qua vòng sơ loại, tăng gấp đôi so với cuộc thi năm trước. Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học-kỹ thuật trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên được ngành Giáo dục đẩy mạnh và ngày càng nhận được sự tham gia tích cực, đông đảo của học sinh. Ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi và đã có những giải thưởng xứng đáng, đồng thời những cán bộ giáo viên cũng như các đơn vị tham gia tích cực vào các hoạt động này hàng năm được xem xét biểu dương khen thưởng khích lệ.