Quốc hội thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 20-6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với 457/462 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu Quốc hội.

 
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Ảnh: Đình Nam

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, ngày 02 tháng 6 năm 2017, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ngay sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương 76 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí; quản lí, sử dụng vật liệu nổ; quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ

Về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí phương án 1: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí”; một số ý kiến nhất trí phương án 2: “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, văn kiện của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật đã thể hiện nhất quán quan điểm về xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng là bộ phận của nền công nghiệp quốc gia. Trong điều kiện hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án 1 và đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh lý Điều 17 theo hướng quy định nguyên tắc về chủ thể được thực hiện các hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí và bỏ nội dung quy định tại Điều 18 của dự thảo Luật trình Quốc hội để giao Chính phủ quy định cụ thể nhằm áp dụng linh hoạt trong thực tiễn như đã chỉnh lý trong dự thảo Luật.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của người ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí quân dụng; bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vũ khí của người chỉ huy, người lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được trang bị vũ khí; bổ sung cụm từ “lợi dụng” sau cụm từ “lạm dụng” tại khoản 3 Điều 23.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chuyển nội dung khoản 3 Điều 24 dự thảo Luật trình Quốc hội về Điều 22 dự thảo Luật cho phù hợp với quy định về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của người chỉ huy trong việc quyết định sử dụng vũ khí quân dụng tại khoản 3 và bổ sung cụm từ “lợi dụng” tại khoản 4 Điều 22 dự thảo Luật.

Về các trường hợp nổ súng quân dụng, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định về xác định hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm nguy hiểm làm căn cứ nổ súng để bảo đảm tính khả thi.

Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 105/BC-UBTVQH ngày 08/5/2017 và thấy rằng, việc quy định tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội làm căn cứ quyết định nổ súng tại Điều 24 dự thảo Luật trình Quốc hội là yêu cầu đòi hỏi người sử dụng vũ khí phải nhận thức, đánh giá được hành vi của đối tượng đang thực hiện là hành vi tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, điều luật đã quy định người sử dụng vũ khí phải “biết rõ” tính chất về hành vi của người vi phạm pháp luật để quyết định nổ súng; quy định như dự thảo Luật là chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như dự thảo Luật.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ với 457/462 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 93,08% tổng số đại biểu Quốc hội.

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2018.

Nguồn quochoi.vn