Trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 2.073 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của các đại biểu Quốc hội tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Dân nguyện tổng hợp, phân loại và chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 3.320 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị của cử tri đề cập đến mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế- xã hội, từ những vấn đề hết sức cụ thể đang diễn ra có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân đến các vấn đề liên quan đến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Tiếp thu kiến nghị cử tri để đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội
Trong số các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đã có 168/3.320 kiến nghị (chiếm 5,1%) liên quan đến các hoạt động của Quốc hội. Nội dung tập trung vào việc yêu cầu các cơ quan của Quốc hội quan tâm cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng xây dựng luật; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân. Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội như an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề nợ công, đầu tư công, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai; việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; cải tiến hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, tăng thời lượng chất vấn, tăng số lượng Bộ trưởng, Trưởng ngành được chất vấn.
Đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, báo cáo nêu rõ, tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động lập pháp của Quốc hội đã có nhiều đổi mới theo hướng tăng cường tính tranh luận; chú trọng kỹ thuật lập pháp; ý kiến cử tri đóng góp trực tiếp vào một số dự án luật đã được tiếp thu, như: về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; về danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh liên quan đến mặt hàng pháo nổ; về Tội vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp; đã ban hành văn bản hướng dẫn để đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến
Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã lựa chọn các chuyên đề giám sát năm 2017 là những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm và đã kiến nghị qua nhiều kỳ họp. Hoạt động chất vấn cũng có nhiều đổi mới từ lựa chọn nội dung chất vấn, tranh luận trong chất vấn đến việc tăng thời lượng chất vấn, tăng số lượng các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn thông qua các phiên chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát 13 chuyên đề, tổ chức 02 phiên giải trình về một số vấn đề đang được dư luận, cử tri quan tâm. Trước tình trạng về bạo lực, xâm hại trẻ em có dấu hiệu gia tăng, Ủy ban Tư pháp đã kịp thời phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức cuộc họp với các cơ quan chức năng để đánh giá “Việc chấp hành các quy định pháp luật về đấu tranh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”, qua đó đã kiến nghị một số vấn đề trong phát hiện, xử lý tội phạm ở lĩnh vực này.
Chính phủ và các Bộ ngành giải quyết số lượng lớn các kiến nghị của cử tri
Đối với công tác điều hành của Chính phủ đã có 3.119/3.320 kiến nghị (chiếm 94%) với nội dung tập trung chủ yếu vào 09 nhóm vấn đề về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, tài chính; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, xây dựng; tài nguyên và môi trường; tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra,giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá, mặc dù nhận được số lượng kiến nghị cử tri rất lớn nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã rất tích cực chỉ đạo giải quyết, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị lắng nghe. Kết quả là ngay trong khoảng thời gian 6 tháng giữa hai kỳ họp toàn bộ 3.119 kiến nghị được trả lời, 94 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành; hàng nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành đã được tổ chức qua đó phát hiện, xử lý nhiều vi phạm theo yêu cầu, kiến nghị của cử tri, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống người dân.
Đã có 2.124 kiến nghị (chiếm 68,1%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri về các lĩnh vực như: nông nghiệp, giáo dục, văn hóa, giao thông, quản lý trật tự đô thị,… Có 539 kiến nghị (chiếm 17,3%) đã được giải quyết xong. Hiện còn 456 kiến nghị (chiếm 14,6%) đang được xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các bộ, ngành còn quá chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết, hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị, dẫn đến thực trạng số lượng kiến nghị được trả lời là rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao, số kiến nghị được trả lời chỉ bằng việc cung cấp thông tin còn nhiều (68%), cá biệt có văn bản nội dung trả lời còn chưa rõ, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu. Bên cạnh đó, có nhiều kiến nghị đã được tiếp thu, bố trí nguồn lực để giải quyết đáp ứng mong đợi của cử tri, nhưng quá trình tổ chức triển khai còn nhiều bất cập khiến cử tri băn khoăn.
Ngoài ra, đối với các hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (có 13/3.320 kiến nghị). Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải trình, cung cấp cho cử tri một số thông tin về quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán; về công tác kiểm tra hoạt động của các cơ quan tư pháp để giảm thiểu tình trạng oan sai; quy định của pháp luật liên quan đến chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của một số chức danh thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện; về biên chế của ngành, Tòa án, Kiểm sát; việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; việc xử lý một số vụ án cụ thể.
Đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức khác có 20/3.320 kiến nghị. Các kiến nghị có nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với một số đối tượng hoạt động trong các tổ chức chính trị - xã hội; về giám sát và xử lý công khai các vi phạm trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ,... đều đã được Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan xem xét, trả lời cử tri theo quy định.
Kiến nghị Chính phủ các Bộ ngành giải quyết dứt điểm các kiến nghị tồn đọng
Nhằm nâng cao chất lượng kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất nhóm giải pháp. Đối với Quốc hội cần có biện pháp hiệu quả, thực hiện thường xuyên hơn giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; đề nghị có kế hoạch rà soát tổng thể việc thực hiện các nghị quyết giám sát, các kiến nghị sau giám sát. Đồng thời đề xuất hình thức phù hợp để xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi không thực hiện đầy đủ nghị quyết, kiến nghị sau giám sát. Tăng cường tổ chức các hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri,…
Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nơi mình ứng cử, đồng thời phối hợp với Ban Dân nguyện để cùng giám sát bộ, ngành trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri tại nơi đại biểu ứng cử.
Đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, kiến nghị Chính phủ nên coi việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, Trưởng ngành, đồng thời, sớm có hình thức nhắc nhở, xử lý đối với cá nhân, cơ quan, không thực hiện trả lời cử tri theo quy định và công khai để cử tri được biết. Sớm ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri để việc giải quyết được kịp thời, đúng pháp luật
Đối với các kiến nghị còn tồn đọng qua một số kỳ họp, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát xây dựng lộ trình giải quyết và thông báo cho cử tri bằng văn bản trước ngày 15/9/2017. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm những kiến nghị còn tồn đọng trước kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết 05 nhóm vấn đề: (1) Biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản, trước mắt có giải pháp nhanh, mạnh ngăn chặn hiện tượng khai thác cát trái phép đang gây bức xúc trong Nhân dân. (2) Vấn đề thương hiệu nông sản, thực phẩm, thu hút đầu tư cho nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, rau quả sạch ngay tại thị trường nội địa. (3) Tăng cường chất lượng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án thua lỗ mà dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. (4) Nâng cao chất lượng tiếp công dân, đối thoại với công dân, gắn tiếp công dân với việc giải quyết để kịp thời xử lý những bức xúc, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai không làm phát sinh điểm nóng về khiếu kiện. (5) Có biện pháp khắc phục ngay tình trạng nhà xây tại dự án vùng ngập lũ khu vực đồng bằng sông Cửu Long để hoang phí, không có người ở do thiếu hạ tầng kỹ thuật.
Nguồn quochoi.vn