Tham dự Phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, các thành viên của Chính phủ và đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn
tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, theo Chương trình làm việc của Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. So với các Kỳ họp trước đây, Quốc hội đã dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước đối với nội dung này. Sáng nay, Quốc hội sẽ bắt đầu tiến hành phiên đầu tiên của hoạt động chất vấn. Các Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được Truyền hình- Phát thanh trực tiếp để nhân dân, cử tri theo dõi, giám sát.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tính đến hết ngày 12/6, đã có 86 phiếu chất vấn với 98 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thông qua Phiếu xin ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn đại biểu Quốc hội được tổng hợp từ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Đây là những cơ sở quan trọng để Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội lựa chọn những vấn đề cần đưa ra để đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội quyết định tiến hành chất vấn đối với 4 Nhóm nội dung liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm gồm: Thứ nhất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững, phát triển nguồn lợi thủy sản. Thứ hai, quản lý hoạt động văn hóa, vấn đề đạo đức xã hội, chất lượng du lịch. Thứ ba, vấn đề khám bệnh, chữa bệnh, giá thuốc chữa bệnh, y tế cơ sở. Thứ tư, huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đó, các Bộ trưởng: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách ngành, lĩnh vực, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan khi cần thiết sẽ tham gia trả lời chất vấn để giải trình, làm rõ thêm những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm đối với từng Nhóm vấn đề chất vấn. Quốc hội cũng sẽ dành toàn bộ buổi chiều ngày 15/6 để chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm để trực tiếp trả lời cũng như cùng tham gia trả lời của các thành viên Chính phủ đối với những vấn đề chất vấn để làm rõ thêm nội dung của những vấn đề này tại Kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội trả lời phỏng vấn của các nhà báo bên hành lang Quốc hội trước Phiên khai mạc
Ảnh: Đình Nam
Để hoạt động chất vấn đạt được kết quả, hiệu quả như mong muốn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thì các vị đại biểu Quốc hội cần nêu câu hỏi ngắn, gọn, rõ ý, nằm trong phạm vi nội dung của các Nhóm vấn đề đã chọn; không nên đặt câu hỏi theo kiểu tìm hiểu thông tin hoặc là kể tình hình; dành thời gian đi sâu vào vấn đề và để các thành viên Chính phủ trả lời đúng trọng tâm. Theo quy định tại Nội quy kỳ họp, thời gian đặt câu hỏi tối đa không quá 2 phút một lần. Để tăng cường tính đối thoại, xây dựng giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn, Phiên chất vấn sẽ tiếp tục sử dụng quyền tranh luận để giúp cho đại biểu thực hiện việc tranh luận. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội cũng cần chuẩn bị nội dung cụ thể để tranh luận cho rõ ý.
Về phía người trả lời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, không né tránh và đặc biệt phải xác định rõ trách nhiệm, hướng khắc phục, giải pháp thời gian tới nhằm tạo cơ sở để Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ trước Quốc hội và trước nhân dân, cử tri cả nước.
Đánh giá thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nói chung luôn được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua hoạt động này, đã có nhiều đổi mới, tác động tích cực đến nhiều mặt, hoạt động quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành; từ đó góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập đang diễn ra và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Sau Phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để ghi nhận các giải pháp, những vấn đề đã hứa của các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ; làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành triển khai thực hiện đúng và cũng như để cho các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát.
Đây là lần thứ 2 Quốc hội khóa XIV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, với kinh nghiệm của nhiều Kỳ họp trước đây, cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan, sự tích cực, chủ động của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng và mong rằng các Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ đạt được kết quả như mong đợi, đáp ứng yêu cầu đề ra. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đã tuyên bố khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri
+ Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, để có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Nguồn quochoi.vn