1. Trong tuần, một trong những thông tin rất được chú ý liên quan đến vấn đề Brexit, đó là các lãnh đạo châu Âu lo ngại tác động từ kết quả bầu cử tại Anh. Cụ thể là nhiều nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lo ngại việc không đảng nào giành đa số ghế trong Quốc hội mới tại Anh sẽ khiến tiến trình đàm phán đưa Anh rời EU hay còn gọi là Brexit bị trì hoãn và nguy cơ đàm phán thất bại lớn hơn. Uỷ viên phụ trách về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger (Gu-en-thơ Oét-tinh-gơ) cho rằng kết quả bất ngờ của cuộc tổng tuyển cử ở Anh đe dọa khả năng triển khai các cuộc đàm phán Brexit vào ngày 19/6 theo đúng kế hoạch do thiếu một đối tác đàm phán chắc chắn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Michael Roth (Mai-cơn Rốt) và các chính trị gia nước này kêu gọi bắt đầu đàm phán Brexit càng sớm càng tốt vì thời gian đang rất "gấp rút", thời hạn hai năm để hoàn tất đàm phán đang bị rút ngắn từng ngày...
Chính phủ 27 quốc gia thành viên EU lo ngại nếu các cuộc đàm phán Brexit, thất bại Anh có thể sẽ rời EU mà không đàm phán đầy đủ các điều khoản "chia tay", khiến người dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan trở nên rối loạn giữa những cái chung và cái riêng. Hiện có nhiều lời đồn đoán rằng một chính phủ liên minh tại Anh có thể sẽ ủng hộ quá trình đàm phán rời EU "mềm mỏng hơn" so với kế hoạch của bà May, đồng thời có thể sẽ để Anh ở lại thị trường chung song cũng gây ra những mối phiền toái mới cho EU. Liên minh châu Âu chỉ chấp nhận cho Anh tiếp cận thị trường chung khi London đồng ý đóng góp vào ngân sách của EU và tuân thủ những quy định chung của khối bao gồm cả quy định nhập cảnh tự do giữa các quốc gia trong khối, trong khi không còn tiếng nói đối với những chính sách chung, điều mà chắc chắn không một chính phủ nào có thể thuyết phục người dân đồng thuận.Vì vậy lo ngại về viễn cảnh một cuộc ly hôn không thỏa thuận là hoàn toàn có cơ sở…
2. Cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Mun Chê In), ông Chung Eui-yong (Chung Ê-ui I-âng) tuyên bố Seoul không có kế hoạch thay đổi cơ bản thỏa thuận với Washington về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Phát biểu với báo giới ngày 9-6, cố vấn Chung Eui-yong nhấn mạnh Hàn Quốc dự định sẽ giải quyết vấn đề triển khai THAAD theo một số nguyên tắc khi hoàn toàn hiểu rõ về các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Chung cũng khẳng định chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in không có ý định thay đổi thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Mỹ về việc triển khai THAAD, đồng thời sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Washington trong vấn đề này. Ngoài ra, vị cố vấn an ninh cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc còn cho biết quyết định hoãn triển khai đầy đủ THAAD trong thời gian đánh giá ảnh hưởng môi trường của hệ thống này là một biện pháp nội bộ nhằm đảm bảo tiến trình dân chủ.
3. IS vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng- Đó là nhận định của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị, ông Jeffrey Feltman (Giép - frây Phe-man), tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) về những mối đe dọa mà các hành vi khủng bố gây ra cho hòa bình và an ninh quốc tế. Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn lời ông Feltman nói: “IS trở nên đáng sợ hơn do chúng đã sử dụng Internet và các mạng xã hội để thực hiện chiến dịch tuyên truyền trực tuyến trên toàn cầu. Mặc dù trong 16 tháng qua, số lượng những thông điệp như vậy đã giảm, song mối đe dọa vẫn dai dẳng do những kẻ ủng hộ chúng bên ngoài Syria và Iraq đang thu thập và truyền bá lại những tư tưởng của chúng”. Đơn cử như tại châu Âu, IS đã thông qua các mạng xã hội để khuyến khích những kẻ ủng hộ mở các cuộc tấn công tại những quốc gia những đối tượng này cư trú. Do đó, hàng loạt vụ tấn công khủng bố đã xảy ra ở Bỉ, Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển và Anh. Ông Feltman cho biết thêm mặc dù một số phần tử cực đoan được xác định là “sói đơn độc”, song các nhà điều tra đã chứng minh được rằng những đối tượng này thường xuyên nhận được sự ủng hộ hoặc nguồn lực từ IS hoặc trong một số trường hợp còn trực tiếp liên lạc với IS…
M.D