Nghệ nhân ưu tú Phú Bình Đồn, người cao tuổi uy tín thôn Tân Bổn cho biết: Nghệ nhân Phú Văn Sơn đã tích cực truyền dạy trống Paranưng cho nhiều thế hệ học trò ở các làng Chăm trên địa bàn tỉnh. Các học trò của ông tham gia biểu diễn phục vụ lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương. Tuy tuổi cao nhưng hiện nay ông Sơn vẫn tận tâm truyền dạy trống Paranưng cho thanh niên thôn Tân Bổn. Ông được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng về thành tích xuất sắc truyền dạy nhạc cụ dân gian Chăm.
Nghệ nhân Phú Văn Sơn nêu gương sáng người cao tuổi tiêu biểu ở làng Chăm Tân Bổn.
Trao đổi với nghệ nhân Phú Văn Sơn, chúng tôi được biết từ thời trai trẻ ông được người cha ruột là nghệ nhân Phú Lộc truyền dạy trống Paranưng, trống Ghi-năng. Nằm lòng các bài bản nhạc cổ truyền dân gian Chăm, ông tiếp tục khăn gói xuống Hữu Đức theo ông Bá Ngầu học nghề thầy vỗ. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nhạc cụ dân gian Chăm, ông trở thành “nhạc trưởng” trong các đám cúng Chà và ở các làng Chăm trên địa bàn tỉnh. Tiếng trống Paranưng của nghệ nhân Phú Văn Sơn lan tỏa trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm. Ngoài thời gian tham gia hoạt động lễ hội và truyền dạy trống Paranưng cho học trò, nghệ nhân Phú Văn Sơn còn canh tác gần 2 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang-Sông Biêu. Ông đầu tư trên 130 triệu đồng sắm máy cày cho con trai đảm nhận khâu làm đất cho bà con thôn xóm. Ông hướng dẫn con cháu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng theo quy trình “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất cao, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. Đồng thời, vận động tộc họ, bà con thôn xóm đoàn kết xây dựng khu dân cư ngày càng phát triển, tích cực góp phần cùng chính quyền địa xây dựng nông thôn mới.
Khi được hỏi về trách nhiệm của người cao tuổi góp phần xây dựng thôn xóm, nghệ nhân Phú Văn Sơn cười hiền hậu, chia sẻ: Suốt đời tôi gắn bó máu thịt với trống Paranưng và trống Ghi-năng do ông bà xưa truyền lại. Bây giờ, tôi có trách nhiệm truyền dạy lại cho con cháu giữ lấy nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm. Tôi biết ơn Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Giang và Sông Biêu đưa nước về tưới cho cánh đồng Tân Bổn. Với trách nhiệm người cao tuổi, tôi hướng dẫn con cháu và vận động thôn xóm đoàn kết thi đua sản xuất giỏi bảo đảm cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.
Đồng chí Thiên Sanh Phong, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Phước Ninh nhận xét: Ông Phú Văn Sơn là nghệ nhân cao tuổi tiêu biểu ở địa phương, đặc biệt đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm. Ông nêu gương sáng người cao tuổi thi đua thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở làng Chăm Tân Bổn.
Sơn Ngọc