Điều dễ nhận thấy là những năm gần đây phong trào du lịch của người dân vào các ngày nghỉ cuối tuần đến với các vùng biển, vùng núi… để tìm không khí còn trong lành bởi sự hoang sơ của không gian biển hay miền núi hoặc bình nguyên cát trắng chưa bị con người tác động nhiều hoặc “can thiệp” quá sâu làm thay đổi cấu trúc tự nhiên… đã trở nên phổ biến.
Du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh tham quan khám phá thắng cảnh Mũi Dinh, tháng 5- 2017. Ảnh: Sơn Ngọc
Đối với tỉnh ta, có thể nói tự nhiên đã “ban tặng” cho tỉnh nhiều lợi thế “trên sơn, dưới thủy” với nhiều cảnh đẹp xếp vào “bản đồ” du lịch đứng ở tóp đâu. Đó là vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Sơn- Ninh Chữ, Thác Sakai, Chapơ hay “bình nguyên” cát Nam Cương trải dài hàng chục cây số - còn có tên là “Bạch Sa động”- chập chùng gợn sóng, biến đổi trong ngày… Không những vậy, những cảnh quan thiên nhiên của tỉnh hầu hết còn rất hoang sơ, chưa bị tác động mạnh trước đà phát triển du lịch. Đây cũng là kết quả từ định hướng của tỉnh là phát triển nhưng bảo đảm hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trong đó khu du lịch Amanơi là một điển hình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ý thức bảo vệ môi trường của người dân và không ít du khách chưa cao, dẫn đến môi trường tuy chưa đến mức ô nhiễm nhưng làm giảm giá trị cảnh quan. Đó là tình trạng xả rác sau khi sử dụng bừa bãi tại các điểm đến du lịch. Người dân thì vẫn thói quen vô tư vứt rác xuống kênh mương, nơi công cộng thậm chí là ngay trong khu dân cư, mặc dù địa phương đã tổ chức đội thu gom rác. Lại nữa đó là trong khi các địa phương thực hiện Đề án “Xanh, sạch, đẹp” của tỉnh, đầu tư trồng cây xanh trên các tuyến đường… để tăng cường thêm “lá phổi xanh”, hạn chế tác hại của khí thải độc ra môi trường, thay vì chung tay bảo vệ thì một số người lại có hành vi ngược lại như bẻ cành, để gia súc cắn phá… Một số doanh nghiệp khai thác cát, đá; nhà máy chế biến… cũng thiếu quan tâm đến môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, gây nhiều bức xúc, trong đó “nhãn tiền” đã xảy ra như trận lũ vừa qua đã làm sạt lở một số đoạn bờ sông Dinh mất nhiều diện tích đất sản xuất, thiệt hại về kinh tế của người dân là thấy rõ, nhưng nguy cơ lâu dài nếu không có biện pháp khắc phục căn cơ thì sẽ tiếp diễn sạt lở, đây mới là điều đáng nói…
Tỉnh ta đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực từ du lịch đến công nghiệp, chế biến… Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung và có thể minh chứng bằng hàng vài chục dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và trong số đó không ít doanh nghiệp đã có “khát vọng” để đầu tư lâu dài… Thiết nghĩ đây cũng là sự hưởng ứng tích cực của tỉnh để bảo vệ môi trường không chỉ trong “Ngày môi trường thế giới”, “Tháng hành động vì môi trường” mà là mục tiêu lâu dài tỉnh ta theo đuổi.
TD