Đặc biệt, tại Điều 6, một trong các hành vi bị nghiêm cấm đó là: Cấm “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em” đã làm cho không ít người, nhất là phụ huynh của các em tỏ ra “bán tín bán nghi” về những hành vi có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, từ khi Internet thịnh hành và trở thành mạng xã hội rộng rãi thì việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân, gia đình, bè bạn…thông qua facebook phổ biến đến mức ai cũng có thể tham gia mà không phân biệt “đẳng cấp”, tuổi tác… Vậy nên, nay cấm đưa hình ảnh trong đó có trẻ em để…“tự sướng” kiểu này thì quả là gay go!. Anh bạn tôi-một “tín đồ” của “face” phàn nàn. Thực ra, không riêng gì anh bạn tôi mà nhiều người quen có dịp hỏi tới đều tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí có người còn “phản ứng”, cho rằng con em họ thì hiển nhiên rồi việc gì phải hỏi ý kiến phiền phức vậy!... Tuy nhiên, việc đưa những hình ảnh con em trong tình trạng trang phục thiếu nghiêm túc chẳng hạn, có khi do chủ quan hay chỉ đơn giản là bông đùa để chia sẻ với bạn bè; có người còn đưa hình ảnh con em kèm theo đó là thành tích học tập, thành tích thể thao… “ảo” hoặc có thật lên "face" như thời gian gần đây, theo các chuyên gia tâm lý vô hình trung đã làm tổn thương trẻ, thường là bị bạn bè trêu chọc. Có chuyên gia còn cho rằng những thông tin quá chi tiết của trẻ nếu đăng tải lên mạng xã hội rất có thể vô tình khiến các con gặp nguy hiểm với các loại tội phạm xã hội như tội phạm tình dục, bắt cóc, buôn người… vẫn đang âm thầm theo dõi trên mạng...Cho nên lời khuyên là các bậc phụ huynh cần nhận rõ tác hại khi phổ biến rộng rãi và quá chi tiết những thông tin bí mật về đời sống riêng tư của trẻ em. Bởi vì một thông tin đã tung lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời!.
Gia đình và xã hội dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Ảnh: Sơn Ngọc
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng không nên quá lo lắng về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 của Luật như đã nêu trên. Điều 33, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ về thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em gồm có: “Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”. Theo đó, phụ huynh chỉ không được đăng tải những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà Điều 33 Nghị định 56 đã liệt kê khi chưa được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên. Còn những hình ảnh, thông tin của trẻ em mà không thuộc phạm vi của Điều 33 nói trên thì không phải bí mật đời tư của trẻ. Ví dụ, gia đình đi chơi, hay những hình ảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc bên mâm cơm thường ngày… thì hoàn toàn có thể đăng tải chia sẻ lên Facebook nếu muốn thì không có gì phải gọi là vi phạm Luật...
Nhân “Tháng hành động vì trẻ em” và Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực thi hành, nêu ra vấn đề trên với mong muốn mọi người cần hiểu rõ Luật để thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ trẻ em ngay từ những hành vi được cho là thói quen phổ biến như đã nói trên. Đừng cho là chuyện nhỏ để rồi xảy ra sự việc làm nguy hại đến chính con em của mình lúc đó mới thay đổi hành vi chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn!.
HH