1. Trong tuần, một trong những sự kiện thế giới được quan tâm đó là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được dư luận quốc tế đánh giá tích cực. Giáo sư Carl Thayer (Can Thay-ơ) từ Australia cho biết chuyến thăm đã “thành công tốt đẹp”, “cho thấy đường lối ngoại giao tích cực và nỗ lực lớn của Việt Nam” và mở ra “một thời kỳ mới” trong quan hệ giữa hai nước. Chuyên gia này cho rằng các thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD “rõ ràng đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi và Tổng thống Donald Trump đã phản ứng một cách tích cực”. Giáo sư Thayer nhấn mạnh đích thân Tổng thống Mỹ thông báo rằng thương mại đứng đầu trong nghị trình thảo luận giữa hai bên…
Theo giáo sư Thayer: “Việt Nam giờ hiểu rõ hơn về đường hướng của mối quan hệ song phương với Mỹ trong những năm tới. Việt Nam sẽ vẫn có thể “đa phương hóa và đa dạng hóa” các mối quan hệ song phương khi biết rằng Mỹ duy trì cam kết về mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và Mỹ sẽ vẫn hướng về Đông Nam Á”.
Các bức ảnh trên mạng cho thấy Tổng thống Donald Trump đã ra tận cửa Nhà Trắng để đón lãnh đạo Việt Nam, rồi sau đó, cả hai tươi cười hướng về ống kính của các phóng viên. Nguyên thủ Mỹ sau đó cũng chủ động chìa tay để bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo đài RFI, chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã “thành công tốt đẹp”, Washington và Hà Nội đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng quyền tự do hàng không và hàng hải tại Biển Đông, chống mọi hành vi quân sự hóa khu vực…Riêng về Biển Đông, Tổng thống Donald Trump nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông và phản đối mọi hoạt động nhằm quân sự hóa khu vực. Hai bên đã tái nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức khác sử dụng biển hợp pháp”, đồng thời bày tỏ lo ngại về những “tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
2. Vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên cũng được dư luận quan tâm trong tuần. Theo tin mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cho biết đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên, đưa vào “danh sách đen” nhiều cá nhân và thực thể liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. HĐBA LHQ lên án mạnh mẽ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã tiến hành từ tháng 9/2016 tới nay và liệt vào danh sách đen 14 cá nhân và 4 thực thể trong đó có Tập đoàn Thương mại Kangbong, Tập đoàn Thương mại Kumsan, Ngân hàng Koryo và lực lượng tên lửa chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Tất cả những người bị liệt vào “danh sách đen” đều bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Biện pháp trừng phạt nói trên được đưa ra sau một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong những tháng gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ…
3. Dư luận phản đối Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ngày 1/6, trong động thái được nhìn nhận là phản ứng chính thức đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định hiệp định này sẽ không thể được đàm phán lại. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (An-tô-ni Gu-tê-rết) cho rằng quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là “nỗi thất vọng lớn”. Ông Guterres bày tỏ mong muốn Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đối khí hậu toàn cầu và sẵn sàng “hợp tác với Chính phủ Mỹ, các nhân tố khác tại Mỹ và thế giới để xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ con cháu”…
Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, mà cựu Tổng thống Mỹ Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một văn bản quốc tế có sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo như vậy, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu. Hiệp định này qui định tất cả các nước thành viên phải đề ra một mục tiêu rõ ràng nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo qui định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11-2020. Đây cũng là thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo tại Mỹ.
M.D