VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Thấy gì qua Chỉ số Cải cách hành chính?

(NTO) Qua kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2016) mới đây - mặc dù là năm đầu tiên xác định chỉ số CCHC theo các tiêu chí thành phần mới- đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng chung trong triển khai công tác CCHC, với kết quả ngày càng thực chất hơn, sát với thực tiễn hơn.

 
Văn phòng một cửa Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân đến giải quyết hồ sơ. Ảnh: V.M

Theo báo cáo, Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 74,64%, trong đó 30/63 đơn vị đạt kết quả trên giá trị trung bình. Việc phân loại Chỉ số này được chia thành 4 nhóm, gồm nhóm A có Chỉ số CCHC trên 90%, nhóm B từ 80% đến dưới 90%, nhóm C từ 70% đến dưới 80% và nhóm D có Chỉ số dưới 70%. Trong số 8 lĩnh vực đánh giá kết quả thực hiện CCHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính là lĩnh vực có kết quả Chỉ số thành phần có giá trị trung bình cao nhất, đạt 91,51%... Đáng chú ý, theo kết quả đánh giá, Chỉ số đánh giá tác động của CCHC tại các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình là 80,29%. Trong 8 nhóm tác động, nhóm tác động của CCHC đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức có tỷ lệ điểm trung bình cao nhất lên đến 85,77%. Điều này cho thấy, những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các địa phương trong năm 2016 đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ người dân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính. Cùng với đó, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức giải quyết thủ tục hành chính cũng từng bước được nâng lên, thể hiện ở kết quả đánh giá tác động của CCHC đến đội ngũ công chức giải quyết thủ tục hành chính có tỷ lệ điểm trung bình khá cao, đạt 82,92%, xếp ở vị trí thứ 2/8 nhóm tác động. Tuy vậy, chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập chưa được đánh giá cao, nhất là đối với dịch vụ sự nghiệp y tế công lập và dịch vụ giáo dục công lập. Điều này thể hiện ở kết quả đánh giá chất lượng 2 loại dịch vụ trên vẫn còn ở mức khá thấp, chỉ đạt tỷ lệ điểm 72,37%...

Đối với tỉnh ta, theo đánh giá trong năm 2016 đã có nhiều cải thiện đáng kể từ các nội dung thành phần đến thứ hạng. Nếu như năm 2015 tỉnh ta xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 3 bậc so với năm 2014 thì năm 2016 tỉnh ta đạt tổng điểm 78,07, xếp hạng thứ 19/63, tăng 6 bậc bậc so với năm trước đó và xếp vào nhóm C, bao gồm 33 tỉnh, thành phố xếp hạng từ vị trí thứ 15 đến vị trí thứ 47…Có thể nói, tuy chưa đạt được mục tiêu phấn đấu của tỉnh là duy trì trong nhóm 23 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX nhưng với kết quả nêu trên cũng đã vượt trội so với các địa phương được xếp trong nhóm. Đây cũng là kết quả từ việc triển khai quyết liệt thực hiện CCHC của UBND tỉnh, BCĐ CCHC tỉnh, đặc biệt nhận thức về vai trò, ý nghĩa chỉ số CCHC trong quản lý của các sở, ngành, địa phương được nâng lên bằng việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, đề ra giải pháp, biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện chỉ số CCHC của tỉnh…

Mục tiêu của tỉnh ta trong thời gian đến, đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC để nâng cao Chỉ số PAR INDEX, góp phần xây dựng nền hành chính liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả để phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân và tổ chức trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở nhận diện được những chỉ số thành phần nào đã làm tốt, chỉ số thành phần nào chưa tốt để chấn chỉnh, đồng thời xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cần nghiêm túc đánh giá lại CCHC ở cơ quan, đơn vị, có giải pháp khắc phục kịp thời; phát huy tốt vai trò người đứng đầu trong thực hiện CCHC. Tăng cường rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, thay đổi, hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp; tiếp tục rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước, thanh tra, kiểm tra công vụ; đẩy mạnh tuyên truyền CCHC...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp với trách nhiệm cao, tin rằng trong năm 2017 này, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh tiếp tục được cải thiện và thực hiện đạt mục tiêu là một trong những tỉnh được xếp vào tốp đầu của cả nước.