Thế giới trong tuần

1. Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục vấp phải rào cản là thông tin được quan tâm trong tuần bởi liên quan đến công dân nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập cảnh vào Mỹ. Cụ thể là mới đây Tòa phúc thẩm khu vực số 4, có trụ sở ở bang Virginia (Vơ-gi-ni-a, Mỹ), bác đề nghị tái áp dụng sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump đối với công dân từ 6 quốc gia có đa số người Hồi giáo, với lý do đây là một hành động phân biệt đối xử. Tòa đã xem xét phán quyết hồi tháng 3 của thẩm phán liên bang Theodore Chuang (Thê-ô-đo Chu-ang) ở Maryland (Ma-ri-len), trong đó ngăn chặn một phần sắc lệnh hành pháp ban hành ngày 6-3 cấm công dân các nước Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Ngày 25-5, phán quyết trên đã được thông qua với tỷ lệ 10-3 thẩm phán đồng ý, trong đó tòa nêu rõ sắc lệnh hành pháp trên vi phạm quy định trong Hiến pháp cấm ưu tiên một tôn giáo so với một tôn giáo khác.

Một phán quyết tương tự của thẩm phán liên bang ở Hawaii (Ha-oai) cũng đang có hiệu lực. Phán quyết này còn mạnh hơn phán quyết của thẩm phán Chuang, ngăn cản việc thực thi lệnh hạn chế nhập cảnh đối với người tị nạn trong 4 tháng. Hiện tòa phúc thẩm khu vực số 9, có trụ sở ở Francisco (Phran-xi-xcô), vẫn đang xem xét kháng cáo phán quyết này... 

2. Hàn Quốc chấp thuận tiếp xúc liên Triều là một trong những thông tin đáng chú ý. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 26-5 đã thông qua kế hoạch của tổ chức phi chính phủ mang tên “Phong trào chia sẻ Hàn Quốc” về việc tiếp xúc với phía Triều Tiên. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Seoul đang có những động thái nhằm dần nối lại các hoạt động giao lưu giữa hai miền Triều Tiên. 

Nhiều quan chức chính phủ cho biết tại cuộc tiếp xúc được đề nghị, hai bên sẽ bàn cách nối lại việc cung cấp viện trợ cho Triều Tiên và các dự án hợp tác giữa hai bên. Nếu được thực hiện, đây sẽ là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên kể từ khi ông Moon Jae-in (Mun Chê In) theo đường lối tự do trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào đầu tháng này trong bối cảnh xuất hiện nhiều kỳ vọng về việc can dự với Triều Tiên.

Trước đó một ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã tái khẳng định chủ trương tiếp cận bằng ngoại giao đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc Park Su-hyun (Pắc Xu Hi-un) cho rằng an ninh đã trở thành vấn đề bao trùm sang cả lĩnh vực ngoại giao và Hàn Quốc sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh thông qua hệ thống mạng lưới với các quốc gia liên quan. Theo người phát ngôn, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt và gây sức ép với Bình Nhưỡng, song chính sách của Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ được xác định tùy theo tình hình tương lai và trong khuôn khổ hợp tác quốc tế...

3.Về vấn đề người di cư: Đã có thêm hàng nghìn người được cứu ngoài khơi Libya. Cụ thể là sau khi triển khai các chiến dịch cứu hộ, tàu của các tổ chức phi chính phủ, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cùng nhiều tàu thương mại khác ngày 25-5 đã cứu sống khoảng 2.300 người di cư ngoài khơi Libya, song cũng trục vớt được ít nhất 2 thi thể tại vùng biển này. Các nỗ lực cứu nạn nêu trên được thực hiện khi 35 thi thể người di cư, trong đó ít nhất 10 trẻ nhỏ, được đưa về Italy sau thảm họa hôm 24-5 vừa qua, trong đó 400/700 người trên một con thuyền quá tải bị rơi xuống biển do gặp phải sóng mạnh. Các chiến dịch giải cứu lần này đã nâng tổng số người di cư được cứu kể từ ngày 23-5 vừa qua đến nay lên hơn 5.900 người... Số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy hơn 50.000 người di cư đã đặt chân tới các khu vực bờ biển Italy kể từ đầu năm đến nay, song chưa tính tới số người được cứu trong những ngày gần đây. Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 1.400 người khác đã chết đuối hoặc mất tích trên biển.