(NTO) Ngày 17-5 mới đây, lại thêm thông tin về vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, Ninh Hải, làm một trẻ em (12 tuổi) tử vong do sơ ý trượt chân rơi xuống ao của chính gia đình đào trong rẫy để lấy nước tưới cho cây trồng chống hạn từ mùa khô năm 2015. Đây chẳng khác nào “giọt nước làm tràn ly” trước vấn nạn đuối nước xảy ra trước những bất cẩn của trẻ em và thiếu kiểm soát của các bậc phụ huynh đối với con em mình. Còn nhớ trước đó không lâu, vào chiều ngày 11-4 cũng đã xảy ra cái chết đáng thương của 2 học sinh Trường Tiểu học Nhị Hà, (xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam) do rủ nhau đi bắt cá tại ao thủy lợi cách trường không xa. Hậu quả là hai em đã trượt chân rơi xuống chỗ nước sâu dẫn đến đuối nước…
Trẻ em tắm kênh mương, sông suối có nguy cơ dẫn tới đuối nước. Ảnh: Sơn Ngọc
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em như báo chí đã không ít lần cảnh báo nhưng vẫn chưa tạo được chuyển biến đáng kể trong người dân, nhất là ở những vùng nông thôn do phần lớn các gia đình tập trung vào công việc sản xuất, làm ăn nên chủ quan lơ là, phó mặc con em tự do vui chơi, đặc biệt trẻ rất thích “chơi” nước ở sông suối, ao hồ như bắt cá, tắm…trong khi khả năng thích ứng lẫn cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra lại không được trang bị. Bên cạnh đó, đối với tỉnh ta trong các năm 2015 và 2016 do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hạn xảy ra gay gắt trên diện rộng nên để có nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi, người dân đã đào hàng trăm ao, hồ để trữ nước. Mùa khô hạn thì không nói gì nhưng khi có mưa tích được nước thì đây chính là mối nguy cơ tiềm tàng tai nạn đuối nước nhất là đối với trẻ em, bởi lẽ hầu hết các ao, hồ, thường có chiều rộng từ vài chục mét trở lên, độ sâu từ 5 - 10 m, đáng nói là các hồ, ao chứa nước này không chỉ nằm trong khu vực nương rẫy, mà có nhiều ao, hồ còn nằm cận khu dân cư nhưng không được che chắn, cắm biển cảnh báo...Thậm chí có người dân còn cho rằng, biết là nguy hiểm nhưng vì rào chắn, gắn biển quá tốn kém nên…thôi, hoặc có nơi chỉ che chắn tạm bợ, không có biển báo nguy hiểm!. Theo thống kê sơ bộ riêng huyện Ninh Hải, hiện có gần 100 ao trữ nước tập trung tại khu vực nương rẫy ở xã Nhơn Hải và Vĩnh Hải. Thời gian gần đây, tại địa phương nhiều mưa nên các hồ, ao này đã tích nhiều nước, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân, và hậu quả cũng đã đến như cái chết thương tâm của trường hợp nêu trên.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đuối nước không đáng có xảy ra cho trẻ em bởi sự chủ quan của các bậc phụ huynh trước những “cái bẫy” hiểm nguy đã được báo trước từ các ao hồ, giếng nước thủy lợi…khắp các vùng sản xuất trong tỉnh, nhất là những ngày hè đang đến gần vốn là thời gian để các trẻ em, nhất là nông thôn thỏa sức vui đùa và nguy hiểm nhất vẫn là chơi đùa khu vực sông, suối, ao hồ…Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn. Cần cảnh báo trẻ về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; cần dạy trẻ em biết bơi và xử lý các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…Tốt nhất là cho trẻ tránh xa những nơi nguy hiểm như không nên đi lại hoặc chơi gần ao, hồ, sông suối. Đặc biệt, các địa phương cần yêu cầu các nông hộ có ao, hồ thủy lợi cần rào giậu cẩn thận, đồng thời gắn biển cảnh báo…để người dân biết phòng tránh. Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng trong người dân về hiểm họa từ tai nạn đuối nước, nhất là đối với trẻ em…
Suy cho cùng, phải thực hiện nhiều biện pháp mới mong không để xảy ra thêm những tai nạn đuối nước thương tâm trên địa bàn tỉnh.
HH