Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp

(NTO) Ngày 17-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề: “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,  Bí thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và gần 2.000 đại biểu doanh nghiệp trực tiếp tham dự. Tại đầu cầu tỉnh ta, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị; đồng thời cho rằng Hội nghị đối thoại năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) vừa kết thúc với thông điệp mạnh mẽ, khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Văn Miên

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo sơ kết tình hình 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp sau 1 năm thực hiện Nghị quyết này; đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, nêu rõ 6 nhóm giải pháp cơ bản về định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP cùng hàng loạt các giải pháp đồng bộ khác, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể; đặc biệt tinh thần thúc đẩy khởi nghiệp, lập nghiệp đã được các cơ quan nhà nước, địa phương hưởng ứng mạnh mẽ, lan tỏa sang cả khu vực tư nhân. Trong năm 2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, đạt kỷ lục cao nhất về số lượng từ trước tới nay. Riêng 4 tháng đầu năm 2017 có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 369.635 tỷ đồng, tăng 14% số doanh nghiệp và tăng 48,9% số vốn so với cùng kỳ, trong đo có 11.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,9%. Tính đến ngày 20-4-2017, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Tại tỉnh ta, qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và thân thiện. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 534 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh đến nay lên trên 2.500 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 23.430 tỷ đồng, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, thuế… thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính được rút ngắn từ 15-30% so với thời gian quy định. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.

Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi, hiến kế, kiến nghị phản hồi để giải quyết các vướng mắc, khó khăn…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Điểm lại những kết quả đã đạt được qua 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Thủ tướng cho rằng, so với hội nghị năm trước thì năm nay những ý kiến góp ý gay gắt đã bớt đi rất nhiều, điều đó chứng tỏ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đã đạt được nhiều kết quả. Nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm qua Chính phủ đã ban hành 50 Nghị định tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải như về thể chế chính sách còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định. Bên cạnh đó, vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, do tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; việc doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường… vẫn còn gặp khó khăn; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp.

Để tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, phát triển bình đẳng, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển bền vững. Thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển và quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể ngay sau Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị, đồng thời ký ngay Chỉ thị quan trọng mang số 20 về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới.