Thế giới trong tuần

1. Trong tuần một trong những sự kiện được quan tâm đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nu-ên Ma-crông) theo đường lối trung dung đang nới rộng khoảng cách với đối thủ là bà Marine Le Pen (Ma-rin Lơ Pen) thuộc phe cực hữu. Kết quả thăm dò mới nhất do Elabe thực hiện và công bố ngày 5/5 cho thấy vào thời điểm chỉ còn 2 ngày nữa sẽ diễn ra vòng 2 bầu cử Tổng thống Pháp, tỷ lệ ủng hộ ông Macron là 62%, tăng 3% so với cuộc thăm dò trước đó, trong khi bà Le Pen chỉ giành được 38% tỷ lệ ủng hộ. Với kết quả trên, có thể thấy rằng cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron đã có chiến dịch vận động thành công hơn đối thủ Le Pen khi thu hút được thêm tỷ lệ cử tri ủng hộ. 

Điều này hoàn toàn trùng hợp với kết quả khảo sát nhanh sau khi hai ứng cử viên kết thúc màn tranh luận gay gắt trên truyền hình hôm 3/5. Theo đó, có 63% người được hỏi cho rằng ông Macron đã có phần thể hiện thuyết phục hơn bà Le Pen, trong khi chỉ có 34% bày tỏ hài lòng với nữ ứng cử viên này. 

Ngay trước khi thời điểm tranh cử chính thức khép lại, cả hai ứng cử viên tổng thống Pháp vẫn tích cực vận động sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là các cử tri còn đang do dự. 

2. Ba nền kinh tế hàng đầu Đông Á hợp tác ngăn chặn bất ổn tài chính. Cụ thể là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã cam kết hợp tác ngăn chặn tình hình bất ổn trên thị trường tài chính khu vực trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp 3 bên, bên lề Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Yokohama (Y-ô-cô-ha-ma), Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Á đã tái khẳng định tiếp tục hợp tác và đối thoại cấp cao để đối phó với nguy cơ bất ổn trong bối cảnh nền kinh tế và những căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang ngày càng gia tăng.

Trước những quan ngại về chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố cũng nêu rõ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đấu tranh chống lại “mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Các thị trường khu vực đang đứng trước nhiều biến động sau khi có thông tin Triều Tiên sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân mới, khiếncác nước láng giềng châu Á quan ngại, kéo theo đó là việc Mỹ đưa ra các cảnh báo về mặt quân sự nhằm kiềm chế động thái này của Bình Nhưỡng...

3. Liên quan đến bảo vệ môi trường, theo đánh giá Chile dẫn đầu Mỹ Latinh về sản xuất năng lượng sạch. Theo Bộ trưởng Tài sản quốc gia Chile Nina Palma (Ni-na Pan-na) cho biết trong vòng 3 năm, Chile đã trở thành nước số 1 khu vực Mỹ Latinh về sản xuất năng lượng sạch. Trong bài phỏng vấn với Đài phát thanh Đại học Santiago, Bộ trưởng Palma cho biết hiện nay 15% tổng năng lượng của Chile là từ năng lượng mặt trời hoặc gió và Chile hiện đứng vị trí thứ 8 thế giới về sản xuất năng lượng tái tạo phi truyền thống. Bà Palma đánh giá Chile có được những thành công như vậy là nhờ những chính sách phù hợp của chính phủ theo hướng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc triển khai các dự án năng lượng sạch tại các khu đất công. Theo bà Palma, 77% số dự án năng lượng mặt trời và 23% dự án năng lượng gió được triển khai trên các khu đất công. 

Bộ trưởng Nina cũng cho biết thêm Chính phủ Chile đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ sản xuất được 70% nguồn năng lượng từ năng lượng sạch. Nếu đạt được mục tiêu này, Chile sẽ trở thành nước sản xuất năng lượng tái tạo phi truyền thống hàng đầu thế giới.