VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

An toàn lao động là trên hết!

(NTO) Năm 2017 là năm đầu tiên cùng với cả nước tỉnh ta triển khai Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ 1, từ ngày 1 đến ngày 30-5, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp” nhằm mục đích nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thực thi hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, tạo chuyển biến đối với công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động (NLĐ); chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp...

Công nhân lao động tại Công ty TNHH May Tiến Thuận được chăm lo bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Ảnh: Sơn Ngọc


Toàn tỉnh hiện có gần 2.340 cơ sở, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng số lao động trên 44.400 người, tập trung chủ yếu ở các ngành: nông nghiệp, thuỷ sản, xây dựng, dịch vụ và khai khoáng…trong đó một số lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ như khai thác thuỷ sản, xây dựng, khai khoáng…Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, từ nhiều năm qua tỉnh ta đã rất chú trọng đến ATVSLĐ bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Hàng năm, ngành Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐ-TB & XH) tỉnh không chỉ tuyên truyền rộng rãi trong các doanh nghiệp mà còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ dành cho đối tượng là cán bộ làm công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp, NLĐ làm các nghề, công việc yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ. Nhờ đó, số vụ TNLĐ xảy ra thấp. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh chỉ xảy ra 12 vụ TNLĐ, trong đó, có 4 người chết, 2 người bị thương nặng, 6 người bị thương nhẹ; đáng nói là không có TNLĐ chết người xảy ra trong quá trình lao động, sản xuất.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo ngành LĐ-TB & XH tỉnh, vấn đề ATVSLĐ vẫn còn không ít hạn chế. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo hộ lao động,; không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo đảm ATVSLĐ, sức khỏe cho NLĐ. Mặt khác, đa số NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về ATVSLĐ nên còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất. Một số lao động do kinh tế khó khăn, vì cuộc sống mưu sinh vẫn chấp nhận làm việc trong môi trường độc hại, thiếu an toàn...

Để Tháng hành động về ATVSLĐ thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, NLĐ… theo tinh thần Kế hoạch số 474/UBND ngày 20-2-2017 của UBND tỉnh, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để NLĐ nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực ATVSLĐ nhằm nâng cao trách nhiệm đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh để nâng cao ý thức phòng ngừa TNLĐ, nhất là đối với các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như sử dụng điện, làm việc trên cao, trong môi trường độc hại, nguy hiểm,... Suy cho cùng, chỉ có chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ mới góp phần giảm tối thiểu các vụ TNLĐ mà thôi!