Quan tâm thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số

(NTO) Những năm học qua, các chính sách đối với học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh ta quan tâm thực hiện đầy đủ, theo đúng quy định của Nhà nước, qua đó góp phần giúp con em đồng bào DTTS có thêm điều kiện vững bước đến trường.

Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 33.945 HS DTTS; trong đó có 5.054 HS Mầm non (MN), 16.097 HS TH và 12.794 HS THCS, THPT. Thực hiện chính sách hỗ trợ HS MN 5 tuổi, ngày 31-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 2417/TTg-KGVX về việc kéo dài thực hiện một số chính sách đối với trẻ em và giáo viên MN theo Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015. Theo đó, HS MN thuộc hộ nghèo và HS thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ tiền ăn trưa 120.000 đồng/tháng/trẻ.

 
Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước).

Năm học này, toàn tỉnh có 5 trường PTDTNT với 1.438 HS, 11 trường PTDTBT với 1.749/2.106 HS DTTS, số HS DTTS còn lại chủ yếu học tại các trường MN, phổ thông thuộc các thôn, xã khó khăn và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với HS các trường PTDTNT và các trường dự bị đại học dân tộc, HS các trường PTDTNT là con em đồng bào DTTS ở các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn hằng năm được miễn học phí và hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước trong 12 tháng/năm, được cấp hiện vật, hỗ trợ học phẩm… Với HS ở các trường PTDTBT, HS TH, THCS và HS THPT là người DTTS đáp ứng quy định của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ HS và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/HS… Chiếu theo Nghị định này, năm học này, toàn tỉnh có hơn 2.700 HS DTTS được nhận tiền trợ cấp và hơn 392.000 kg gạo.

Ngoài những chính sách đặc thù nêu trên, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, HS DTTS còn nhận được chính sách ưu đãi về học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Theo Nghị định này, HS các trường PTDTNT, HS người DTTS rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn không phải đóng học phí; HS DTTS là con em hộ nghèo được miễn học phí, hộ cận nghèo giảm 50% học phí; trẻ MN và HS DTTS (không phải là DTTS rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn 70% học phí; HS DTTS thuộc diện hộ nghèo, mồ côi được hỗ trợ chi phí học tập với mức 100.000 đồng/HS/tháng trong 9 tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Ngoài những chính sách nói trên, theo quy định của Nhà nước, HS thuộc hộ nghèo, HS DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí. Thầy giáo Phạm Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ (Bác Ái), chia sẻ: Năm học này, toàn trường có 171 HS, trong đó có 112 em thuộc diện bán trú và 122 HS là con em hộ nghèo. Bên cạnh những chính sách của Nhà nước như hỗ trợ gạo, tiền, chi phí học tập…, nhà trường còn tích cực vận động các nhà hảo tâm trao tặng các em học bổng, sách vở, xây dựng 2 phòng ở nội trú, một nhà ăn và vận động trang bị thêm 6 bộ bàn ghế để việc sinh hoạt, học tập của HS thêm thuận lợi.

Ông Lưu Văn Đảo, Chuyên viên Phòng Giáo dục dân tộc, Sở GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, chế độ chính sách đối với HS DTTS tại tỉnh ta được quan tâm, thực hiện nghiêm túc, qua đó góp phần giúp giáo dục dân tộc nâng cao chất lượng, duy trì sĩ số HS. Nhờ chính sách hỗ trợ ăn trưa của Nhà nước, tỷ lệ trẻ MN DTTS suy dinh dưỡng đến nay giảm chỉ còn 6-8,5%, tỷ lệ trẻ đi học đều ở một số cơ sở MN thuộc các huyện miền núi được duy trì. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên so với trước. Tính đến cuối học kỳ I năm học 2016-2017, đa phần HS TH hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ; 81,1% HS DTTS cấp THCS có học lực từ trung bình trở lên; HS DTTS cấp THPT có học lực trung bình trở lên đạt 64,4%. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết DTTS được triển khai nghiêm túc, đúng chương trình của Bộ GD&ĐT, qua đó góp phần giữ gìn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.