1. Sự kiện rất được chú ý trong tuần, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Lào, Campuchia.
Đây là chuyến thăm không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, chuyến thăm chính thức Campuchia và Lào đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ còn là hoạt động đối ngoại quan trọng chào mừng Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2017 và Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017.
Các chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và nhằm thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia và quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Chuyến thăm đã nâng cao kết quả hợp tác mọi mặt giữa Lào và Campuchia. Thông qua các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi thẳng thắn và rất thực chất với các nhà lãnh đạo của bạn về tất cả các vấn đề, kể cả những vấn đề tồn tại lâu năm như vấn đề biên giới, vấn đề người Việt, vấn đề nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại với cả Lào và Campuchia…
Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức Campuchia của Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử nhằm kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và đánh dấu bước phát triển hai nước lên tầm cao mới ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn...
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đem tình cảm vô cùng thắm thiết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào và tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.
2. Trong tuần còn có các sự kiện thế giới được quan tâm, đó là tình hình Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa “hạ nhiệt” và ngày càng có thêm các động thái mới.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra tuyên bố chung về tình hình Bán đảo Triều Tiên là một trong những động thái đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Philippines, ngày 28-4, các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức ra tuyên bố nêu lập trường chung đối với những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, tránh làm trầm trọng thêm tình hình và nối lại đàm phán tích cực.
Các Bộ trưởng đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này, cho rằng tình trạng bất ổn ở Bán đảo Triều Tiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực.
Các bộ trưởng ASEAN đã kêu gọi Triều Tiên “tuân thủ hoàn toàn” các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại đàm phán về vấn đề này…
3. Trong diễn biến khác, Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Nga trong giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng tin TAAS của Nga thường trú ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng Nga đóng một vai trò tích cực trong giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Quan điểm của Nga và Trung Quốc về vấn đề này rất gần gũi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Nga và các nước khác để sớm giải quyết vấn đề”.
M.D