Toàn cầu hóa bóng đá
Euro 2012 tại Ba Lan và Ukraine, Euro 2016 tại Pháp, World Cup 2014 tại Brazil, World Cup 2018 tại Nga, xa hơn nữa là World Cup 2022 tại Quatar. Bóng đá chưa bao giờ trở nên toàn cầu hóa hơn thế khi không chỉ các nước giàu mới có quyền đăng cai những sự kiện lớn của bóng đá thế giới mà cơ hội còn dành cho các nước đang phát triển và kém phát triển hơn ở môn thể thao vua. Bóng đá giờ đây không chỉ gói gọn trong trong phạm vi một môn thể thao giải trí mà còn là một ngành công nghiệp khổng lồ, kiếm ra hàng tỷ euro mỗi năm, cũng là kênh quảng bá hữu hiệu nhất về văn hóa và nâng cao hình ảnh của mỗi quốc gia.
Chia tay thế hệ vàng, đón dòng máu trẻ
Kỷ nguyên mới của bóng đá mở ra cùng với sự khép lại của những cái cũ. Những cái tên đình đám thập niên trước như Ronaldo béo, Ronaldinho, Ballack, Henry, Beckham, Terry, Lampard, Anelka, Giggs... đều sẽ thi đấu những ngày tháng đỉnh cao cuối cùng trong đầu hập niên mới. Thế giới bóng đá sẽ sang trang sử mới với những cái tên tài năng như Neymar, Wilsherin, Pato, Chicharito, Mueller, Ozil... cùng với những thế hệ bước vào giai đoạn chín của sự nghiệp như Rooney, Ronaldo, Messi, Higuain, Fabregas... Không chỉ ở trên sân, mà trên băng ghế chỉ đạo, tuổi đời của các HLV cũng sẽ trẻ hơn cùng với tư duy mới như Pep Guardiola, Ole Gunnar Solskjaer, Roy Keane...
Sự chuyển mình của các ĐTQG
Các đội tuyển quốc gia lớn đều sẽ có sự thay máu triệt để trong thập niên mới, điển hình là Pháp, Italy, Anh khi mà tư duy chiến thuật cùng những con người cũ đã trở nên lỗi thời trong bóng đá hiện đại. Đi đầu phong trào này là Pháp của Laurent Blanc, nhưng vấn đề là dường như các đội tuyển quốc gia càng ngày càng khó kiếm tài năng trẻ.
Tư duy thực dụng
Thập niên vừa qua chứng kiến sự thịnh vượng của trường phái bóng đá mang nặng tính phòng thủ, đặc biệt là sự xuất hiện của “người đặc biệt” Mourinho. Thành công của lối chơi tấn công tiqui - taca đậm chất Tây Ban Nha giàu tính cống hiến chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi. Bóng đá thế giới sẽ ngày càng trở nên xấu xí hơn khi các đội bóng đều coi an toàn là bạn.
Các điều luật mới
Bắt đầu từ mùa bóng 2012 - 2013, luật Fair - play về tài chính sẽ được áp dụng nhằm yêu cầu các CLB công khai tài chính để tránh trường hợp trả những khoản lương khổng lồ và thu hút hết các cầu thủ giỏi. Luật mới hy vọng sẽ đem đến cán cân công bằng hơn với bóng đá châu Âu, đặc biệt là với những nền bóng đá kém phát triển.
Từ mùa bóng 2011 - 2012, giải Ngoại hạng Anh cũng áp dụng luật mới khi mỗi CLB chỉ được đăng ký tối đa 25 cầu thủ, trong đó có ít nhất 8 cầu thủ bản địa. Đây được coi là chiến thuật giúp người Anh phát hiện ra nhiều nhân tố mới cho ĐTQG sau một thập kỷ ê chề và đáng thất vọng.
Đưa công nghệ vào bóng đá
Hàng loạt sai lầm của trọng tài tại các giải đấu lớn buộc FIFA không thể làm ngơ chuyện đưa công nghệ vào bóng đá để giúp các trọng tài trong tình huống nhạy cảm và gây tranh cãi. FIFA đã thử nghiệm trái bóng gắn chip điện tử năm 2005 nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, giờ đây khi công nghệ đã hoàn thiện hơn nhiều, thì việc đưa kỹ thuật vào bóng đá là xu hướng không thể tránh khỏi, như gắn chip lên trang phục, hệ thống mắt diều hâu lên trái bóng, hệ thống laser hay nhiều camera hơn. Bóng đá trong thập kỷ mới sẽ mang màu sắc công nghệ hơn dù nhiều lo ngại môn thể thao vua sẽ mất đi sức hấp dẫn đầy tính con người của nó.
Sự xâm lăng của các ông chủ ngoại
Ngoại hạng Anh - giải bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ tiếp tục biến thành miếng mồi ngon của các ông chủ lắm tiền nhiều của khi những hiện tượng như Chelsea hay Man City vẫn sẽ nở rộ và hơn một nửa số câu lạc bộ của Anh thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc. Tuy vậy, nguy cơ vỡ nợ và bị vắt đến kiệt quệ vẫn đang treo lơ lửng trên đầu các CLB như trường hợp của Man Utd và Liverpool.
Quyền lực đen của các nhà môi giới
Chưa bao giờ, quyền lực của các cò cầu thủ lại có tác động lớn đến thế cùng với số tiền lót tay cho họ ngày càng nhiều. Cầu thủ trở thành một món hàng đúng nghĩa như Rooney, Tevez, Ronaldo. Tuy nhiên, mặt trái của các ngôi sao cũng liên tục lộ ra khi các cầu thủ tự tung tự tác làm theo ý mình để nâng lương, hay đến một CLB lớn hơn cùng những khoản tiền lương gây sốc như 200.000 bảng/tuần tại Man City.
Không còn chuyển nhượng bom tấn
Xu hướng thắt lưng buộc bụng đang lan tỏa trong môn thể thao vua do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Một vài nước châu Âu đã vỡ nợ và các câu lạc bộ cũng phải dè sẻn hơn trong chi tiêu bằng cách thanh lọc đội ngũ hay giảm nhân công, đồng thời tăng giá vé vào sân. Những vụ chuyển nhượng điên rồ theo kiểu 80 triệu bảng của Ronaldo sang Real chắc chắn sẽ không thể nào có.
Scandal
Chưa thập kỷ nào bóng đá thế giới dính phải nhiều scandal như thập kỷ vừa qua, từ Calciopoli, đến scandal bán phiếu bầu chọn nước chủ nhà World Cup của quan chức FIFA cùng hàng loạt scandal khác trong giới cầu thủ. Bóng đá càng ngày càng mang tính thương mại hơn và chắc hẳn những vụ scandal sẽ không dừng tại đó mà còn có xu hướng tăng trong 10 năm tới.
(Theo ĐBND Online)