Lương y Tài Rài bên kho thuốc của gia đình.
Theo báo cáo của địa phương, đến nay có khoảng 1.200 hộ đồng bào Chăm theo nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Ông Tài Rài, Chủ tịch Hội Đông y xã Xuân Hải, cho biết: Nghề thuốc Nam của đồng bào Chăm ở địa phương đã có từ lâu đời, không ai nhớ rõ thời điểm chính xác. Chỉ biết rằng các bài thuốc được lưu giữ và được người dân giữ làm bí quyết gia truyền của từng gia đình, dòng họ. Ngày trước, nguồn nguyên liệu thuốc Nam khai thác tại vùng núi Cà Đú, Bác Ái và các vùng lân cận rất phong phú nên mỗi nhà tự đi lấy về rồi bốc thuốc bán. Tuy nhiên, càng về sau do việc khai thác mở rộng, nên nguồn nguyên liệu thuốc càng khan hiếm. Do nguồn thuốc ít dần, nên hiện nay trong làng chỉ còn khoảng 10 người làm nghề hái thuốc về bán lại cho những người hành nghề bốc thuốc Nam. Những năm gần đây, do số lượng thuốc khai thác không đủ bán, các hộ hành nghề phải nhập nguyên liệu từ các địa phương lân cận như Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên…
Ông Tài Rài cho biết thêm: Hiện nay, ngoài bốc thuốc ở địa phương, người Chăm Xuân Hải còn đi khắp nơi trong nước để hành nghề bốc thuốc Nam gia truyền. Ông Tài Rài cũng lưu ý, để thuốc Nam gia truyền của người Chăm phát huy tác dụng thì bà con cần tuân thủ đúng sự hướng dẫn của các lương y...
Dược sĩ Trần Xuân Tuyển, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh, cho biết: Những năm qua, đã có một số đề tài, dự án về cây thuốc Nam của đồng bào Chăm ở xã Xuân Hải. Hiện nay có gần 700 bài thuốc Nam được bào chế từ trên 300 loài cây thuốc. Có nhiều cây thuốc độc đáo mà khoa học đang nghiên cứu như: Xáo tam phân, ba vỏ, gáo vàng… Đến nay, Hội Đông y tỉnh phối hợp với ngành Y tế đã sát hạch và cấp giấy chứng nhận được 50 bài thuốc Nam. Hằng năm, Hội cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn và đạo đức hành nghề y cho đồng bào Chăm ở Xuân Hải. Đây là xã có số người hành nghề và nối nghề đông nhất trong tỉnh và hoàn toàn có đủ cơ sở xây dựng thành làng nghề. Do vậy, để nghề thuốc Nam gia truyền của đồng bào Chăm ở Xuân Hải được bảo tồn, phát triển theo tổ chức, quy củ, đúng pháp luật và tạo cơ sở hành nghề cho bà con, thiết nghĩ, ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần tích cực, chủ động đề nghị, xét, công nhận nghề thuốc Nam ở Xuân Hải là làng nghề và có phương án đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của địa phương.
Ngọc Diệp